An Lão: Giao thông trắc trở sau mưa lũ
Với đặc thù huyện miền núi, các tuyến giao thông ở huyện An Lão đi qua những địa hình đồi núi phức tạp. Vì vậy trong đợt mưa lũ vừa qua đã xảy ra sạt lở đất đá, sập cầu chưa thể khắc phục, gây trắc trở giao thông, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đợt mưa lũ do ảnh hưởng cơn bão số 12 vừa qua, huyện An Lão ngoài thiệt hại về nhà cửa, gia súc, gia cầm, hoa màu còn thiệt hại nặng về các tuyến giao thông liên thôn, liên xã, nhất là từ trung tâm huyện đi các xã miền núi. Kết quả thống kê có 15 điểm sạt lở lớn, nhỏ tại xã An Dũng, An Vinh, An Nghĩa và An Toàn, rất nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông.
Trong đó, nghiêm trọng nhất là mưa lũ đã làm sập 4 nhịp cầu An Liên tại xã An Dũng - tuyến giao thông huyết mạch nối xã An Dũng, An Vinh về trung tâm huyện. Để phục vụ nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân, xã An Dũng đã huy động các lực lượng làm cầu tạm cho người dân lưu thông.
Ông Đinh Văn Leng, ở thôn 1, xã An Dũng, cho biết: “Từ khi cầu sập đến nay, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nhiều, vì mỗi khi mưa lớn, nước sông dâng lên thì đi qua những đoạn cầu tạm rất nguy hiểm, nhất là các em học sinh. Người dân muốn vận chuyển hàng hóa cũng không được. chúng tôi mong nhà nước xem xét, sớm sửa chữa lại cầu để nhân dân qua lại an toàn, thuận lợi”.
Chia sẻ về những khó khăn của người dân, ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch UBND xã An Dũng, cho hay: “Sau khi nước rút, xã đã chỉ đạo lực lượng dân quân xã và người dân làm cầu tạm. Tuy nhiên, cầu tạm cũng không đảm bảo an toàn giao thông, nên hàng ngày xã phải cử lực lượng công an xã phối hợp với công an huyện canh gác giúp đỡ người dân qua lại. Người dân ở địa phương chủ yếu là phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là cây keo lai, do vậy, nếu cầu không được khắc phục sớm, việc khai thác, vận chuyển, mua bán keo sẽ không thực hiện được, đời sống của người dân sẽ rơi vào khó khăn”.
Trong khi đó, tuyến giao thông liên thôn từ trung tâm xã An Nghĩa đi thôn 3 cũng bị mưa lũ làm sạt lở nghiêm trọng. Toàn tuyến đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn, nhỏ, với chiều dài gần 1 km, khoảng 20.000 m3 đất đá tràn xuống lấp kín mặt đường, gây khó khăn, nguy hiểm cho người dân qua lại. Việc khắc phục tuyến đường này hiện chưa được thực hiện, vì kinh phí vượt khả năng của UBND huyện An Lão.
Gần 10 ngày sau mưa lũ, 37 hộ dân thôn 3, xã An Nghĩa vẫn bị chia cắt. Người dân có việc đi đến xã hay đi mua lương thực, nhu yếu phẩm hàng ngày chỉ còn một cách duy nhất là đi bộ băng qua các điểm sạt lở trên đoạn đường dài gần 2 km.
Theo ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, để tạo điều kiện cho bà con nhân dân đi lại, huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế Hạ tầng cùng với các địa phương, doanh nghiệp dùng xe cơ giới san gạt đất đá, khắc phục tạm các điểm sạt lở để thông tuyến các tuyến đường liên xã. Còn cầu An Liên, huyện đang phối hợp với Sở GTVT đưa ra phương án bỏ rọ đá làm ngầm tràn để bà con đi lại. Riêng tuyến đường thôn 1 đi thôn 3, xã An Nghĩa, huyện cũng đang phối hợp với Sở GTVT khảo sát, tiến hành khắc phục tạm cho người dân có thể lưu thông trong thời gian sớm nhất có thể. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo khu vực nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, các công trình thủy lợi, giao thông mất an toàn để người dân biết và chủ động phòng tránh.
HỮU BÁ