Vĩnh Thạnh: Siết chặt quản lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng
Trước thực trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế còn diễn ra phức tạp, lực lượng chức năng huyện Vĩnh Thạnh đang triển khai nhiều biện pháp để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, ngăn chặn tình trạng phá rừng.
Vĩnh Thạnh hiện có hơn 51.000 ha đất có rừng (trong đó, có 46.700 ha rừng tự nhiên và trên 4.500 ha rừng trồng). Hầu hết, diện tích rừng phân bố ở địa hình phức tạp, hiểm trở. Do vậy, công tác quản lý-bảo vệ rừng (QL-BVR) ở địa phương này gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Vi phạm giảm… nhưng nguy cơ phá rừng còn cao
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, đầu năm 2017 đến nay, Hạt phối hợp Công an huyện, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã, thị trấn tổ chức hơn 225 đợt kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm phức tạp có khả năng xâm hại đến rừng. Qua đó, đã phát hiện 11 vụ phá rừng, diện tích thiệt hại 2ha, (giảm 6 vụ, giảm 4,9ha so với cùng kỳ năm 2016). Đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 3 vụ, số tiền phạt là 62,5 triệu đồng và buộc trồng lại rừng để khắc phục hậu quả. Các vụ còn lại Hạt đang củng cố hồ sơ, đề xuất UBND huyện xử lý theo quy định. Cùng thời điểm, lực lượng chức năng của huyện còn phát hiện, lập biên bản 68 vụ vi phạm khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, tạm giữ 119m3 gỗ các loại. Hiện nay, cơ quan chức năng của huyện đã xử lý được 60 vụ; trong đó, có 2 vụ xử lý hình sự và 58 vụ xử lý hành chính với số tiền xử phạt trên 1 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Sơn Tùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, công tác tuyên truyền về QL-BVR thời gian qua ở các xã, thị trấn trong huyện được chú trọng và tăng cường, với nhiều hình thức phong phú như kết hợp tuyên truyền với việc xây dựng, thực hiện quy ước BVR trong cộng đồng dân cư, phân công các đơn vị kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số, vận động hộ dân sống gần rừng ký cam kết BVR, đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân. Tuy vậy, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ-phát triển rừng ở huyện còn xảy ra.
“Nguyên nhân là do tập quán canh tác, cùng với nhận thức về công tác QL-BVR ở một bộ phận đồng bào miền núi hạn chế. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc chưa kịp thời. Các chủ rừng chưa đủ mạnh, sự phối hợp các hộ nhận khoán BVR với nhau chưa chặt chẽ nên rừng vẫn còn bị chặt phá. Các đối tượng vận chuyển trái phép lâm sản hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng để tẩu tán tang vật vi phạm. Kinh phí cho công tác QL-BVR, PCCCR còn hạn chế, nhất là ở cấp xã; cán bộ lâm nghiệp không ổn định, nghiệp vụ yếu đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ QL-BVR”, ông Tùng nói.
Siết chặt quản lý, ngăn chặn triệt để
Theo ngành chức năng, tuy số vụ phá rừng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh thời gian qua có chiều hướng giảm, song vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách trong công tác QL-BVR ở địa phương.Vì vậy, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm hại rừng trên địa bàn trong những tháng còn lại của năm 2017, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo các cấp các ngành tăng cường công tác tuyên truyền BVR trong nhân dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở và cộng đồng trong việc thực hiện công tác QL-BVR.
Theo ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, ngoài 4 trạm, chốt BVR hiện có, gồm: Trạm BVR thuộc thôn K6, xã Vĩnh Kim; Trạm BVR Hang Hũ, Văn phòng BVR Lò Than cùng thuộc xã Vĩnh Hảo và Trạm BVR Suối Cát, xã Vĩnh Sơn thì Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và địa phương đã thống nhất lập thêm 6 điểm chốt BVR tại các địa điểm xung yếu, trong đó, tại xã Vĩnh Sơn có 5 chốt và Vĩnh Hảo có 1 chốt. Công an huyện, kiểm lâm, công an xã, dân quân tự vệ, lực lượng BVR của các chủ rừng và đại diện tập thể, hộ gia đình nhận khoán là lực lượng sẽ tham gia trực ở các trạm, chốt này. Việc duy trì hoạt động các điểm, chốt nêu trên sẽ góp phần ngăn chặn tình hình vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng tại địa phương.
“Các cơ quan, đơn vị, địa phương và chủ rừng sẽ duy trì thường xuyên việc kiểm tra truy quét các khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, bị phá, khai thác lâm sản trái pháp luật; xác định đường dây, đầu nậu để có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng”, ông Đẩu cho biết thêm.
TRỌNG LỢI