Freelancer ở Quy Nhơn
Freelancer là người làm việc tự do trên internet, họ được trả tiền thực hiện các dự án trên nhiều lĩnh vực theo yêu cầu cụ thể của khách hàng. Tuy nhiên, chiếm tỉ lệ nhiều nhất là freelancer IT (công nghệ thông tin); đồ họa, thiết kế; dịch thuật.
Nhóm freelancer VnaSolution đang làm việc. Ảnh: T.D
Ở TP Quy Nhơn hiện có khá nhiều nhóm freelancer hoạt động khá hiệu quả, chủ yếu làm việc ở lĩnh vực IT như lập trình viên máy tính, thiết kế website, lập trình ứng dụng điện thoại, viết phần mềm…
Freelancer là dạng lao động đáp ứng được áp lực công việc rất lớn, đòi hỏi chất lượng, hiệu suất làm việc cao. Khách hàng thường chỉ thuê freelancer cho những dự án khó nhưng chỉ có rất ít thời gian. Anh Lê Thành Quý, freelancer chuyên thiết kế website, cho biết: “Hầu hết các dự án đều có thời gian thực hiện hợp đồng chừng vài ba tháng, cũng có nhiều dự án buộc phải hoàn thành trong 1 tuần, thậm chí chỉ trong 1-2 ngày. Thu nhập tùy theo độ phức tạp của dự án, áp lực người lao động phải chịu và hiệu quả, chất lượng công việc”.
Hiện, freelancer phát triển theo hai hướng, một là những freelancer chuyên sâu một lĩnh vực nhất định, hai là nhiều người kết nối với nhau để cung cấp đầy đủ dịch vụ theo yêu cầu của khách. “Tôi kết nối với nhiều freelancer ở Quy Nhơn, thành lập công ty chuyên cung cấp các dịch vụ số; vừa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, vừa tiến kịp hướng phát triển hiện đại của công nghệ hiện nay”, bà Bùi Hồng Giang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giải pháp Việt (tại TP Quy Nhơn), cho biết.
Nhóm của Quý gồm 7 freelancer, ai cũng biết nhiều lĩnh vực, sau nhiều năm làm việc với nhau, họ chia nhau phát triển mỗi người một lĩnh vực thế mạnh của mình; khi nhận việc, dự án được chia nhỏ, mỗi thành viên tập trung thực hiện phần việc của mình và kết hợp lại khi hoàn tất. Nhờ vậy, họ được nhiều khách hàng tín nhiệm.
Freelancer cho phép người ta làm chủ thời gian, cách thức làm việc, tự do làm theo ý thích, nên khá nhiều người từ bỏ công việc cố định để trở thành freelancer. Anh Nguyễn Thành Nam, chuyên làm gia công phần mềm, chia sẻ: “Mới vào thị trường freelancer, tôi nhận những công việc đơn giản. Khi đã có kinh nghiệm, tôi tự tìm những dự án tốt và cũng có khách hàng tìm đến với tôi. Hiện, tôi gia công phần mềm hoặc viết mới các phần mềm cho khách hàng ở các nước Tây Âu. Thu nhập đủ sống, có nhiều thời gian dành cho gia đình, tôi thấy thoải mái hơn so với công việc cố định trước đây”.
Các freelancer đều cho rằng: Thị trường freelancer nhiều việc, nhưng muốn kiếm được dự án tốt phải vững vàng chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, giàu kinh nghiệm. Ngoài cạnh tranh với các nhóm freelancer trong nước, còn phải cạnh tranh với những freelancer nước ngoài, mạnh nhất hiện nay là freelancer của Ấn Độ, Philippines và Úc. Bởi vậy muốn theo nghề phải cập nhật kiến thức liên tục.
Để theo nghề, các freelancer phải chủ động theo dõi thị trường, nâng cao tay nghề và học hỏi kỹ thuật mới, trau dồi chuyên môn và chủ động tư vấn cho khách hàng. Freelancer không đáp ứng được các yêu cầu này sẽ không có cơ hội nhận việc tiếp.
Môi trường làm việc của freelancer, không gian giao tiếp và việc giao nhận đơn hàng, thanh toán tiền công đều diễn ra trực tuyến (online), hiếm khi thực hiện ở ngoài đời thường (offline). Vì thế, freelancer có nhiều rủi ro. “Nghề nào cũng có rủi ro, freelancer cũng vậy. Khi anh đặt may một cái áo, anh không quan tâm thợ đo bằng loại thước gì, cắt bằng chiếc kéo nào. Có cái áo vừa ý anh là được. Nhưng trong công nghệ thì khác, điều kiện của họ sẽ kèm theo cả loại kéo, loại thước cụ thể, công nghệ sử dụng cho sản phẩm của họ phải là tiên tiến nhất. Bản thân mình không thể nói công cụ nào cũng được miễn là có sản phẩm, bởi sản phẩm công nghệ thì sẽ còn được nâng cấp nhiều lần” - anh Tôn Quang Thắng, freelancer của nhóm VnaSolution, phân tích.
THU DỊU