Phê bình và tự phê bình: Cần thực hiện nghiêm túc
Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30.10.2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII (gọi tắt là NQTƯ 4) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã được các cấp ủy đảng tổ chức triển khai quán triệt, học tập nghiêm túc.
Sau hơn một năm đưa NQTƯ 4 vào cuộc sống, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận cao trong nhân dân. Thông qua công tác tự phê bình và phê bình, nhằm nâng cao sự đoàn kết trong Đảng, để cho mỗi cán bộ, đảng viên đều nhận thức được đúng- sai, từ đó có những hành động tích cực trong thực tiễn.
Chúng ta thường nói, phê bình và tự phê bình vì lợi ích chung của Đảng, vì tình thương yêu đồng chí. Nếu hai vấn đề trên trái ngược nhau, không đồng nhất nhau, sẽ khó có hiệu quả trong đấu tranh phê bình và tự phê bình. Tuy nhiên, một vấn đề mà các tổ chức cơ sở đảng thường gặp, đó là tình trạng phê bình chung chung, như tính tình còn nóng nảy, thiếu nhạy bén sáng tạo… còn những hiện tượng liên quan tới năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống, thậm chí đối với những đảng viên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì lại không dám phê bình.
Theo tôi, để giúp đồng chí mình sớm nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, tiến bộ, thì người phê bình không nên “chuyện bé xé ra to”, “đao to búa lớn”, làm không khí phê bình nặng nề nhằm làm mất uy tín của nhau. Song cũng không mơn trớn, nịnh hót, bỏ qua những điều có tính nguyên tắc của Đảng trong phê bình. Tức là, vì lợi ích chung của Đảng mà phê bình đúng mực, phải trái phân minh.
Còn người được phê bình, nếu thật sự muốn tiến bộ thì không nên né tránh trách nhiệm. Khi được phê bình đúng, không được thành kiến với người phê bình; nhất là những cán bộ, đảng viên có chức có quyền, thì càng không nên qua phê bình để tìm cách trù dập, trả thù đồng chí mình.
Hiện nay, hiện tượng đoàn kết “lỏng lẻo”, vui vẻ cả làng, phê bình và tự phê bình mang tính hình thức, thiếu thực chất vẫn còn khá phổ biến ở các chi, đảng bộ. Vậy nên, muốn đoàn kết trong nội bộ Đảng, “giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (Hồ Chí Minh), thì trước hết các đảng viên, tổ chức đảng phải xây dựng động cơ phê bình và tự phê bình thật đúng đắn, trong sáng. Nói thì có vẻ dễ, nhưng khi thực hiện không đơn giản chút nào.
Khi tiến hành phê bình và tự phê bình theo đúng nguyên tắc của Đảng, thực chất là cuộc đấu tranh tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên hãy cùng nhau xây dựng động cơ đúng đắn về phê bình và tự phê bình, để quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng tốt hơn nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng, tăng thêm sức chiến đấu và sự đoàn kết bền vững của Đảng.
THẾ HÀ