Cần chung tay!
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 có chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, đã được phát động trên cả nước từ ngày 15.11 đến 15.12. Đây là hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm và tham gia của gia đình và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được của công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, các vấn đề về bình đẳng giới đã được luật hóa thì vấn đề đảm bảo các quyền về giới là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt và đi vào thực chất nhiều hơn. Theo các số liệu thống kê, trong những năm gần đây tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, các vấn đề về bạo lực gia đình đối với phụ nữ về thể chất, tinh thần và tình dục vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở những nơi có môi trường xã hội phức tạp, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn. Đáng lo ngại hơn là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái lại có những diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Trong nhiều trường hợp, phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng bị mua bán, xâm hại tình dục và chịu nhiều hình thức bạo lực ngoài phạm vi gia đình.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện bình đẳng giới. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016 đã xếp Việt Nam ở vị thứ 65/144 quốc gia toàn cầu và xếp thứ 7 các quốc gia tại khu vực châu Á về khoảng cách giới. Tuy nhiên, trên thực tế do ảnh hưởng của tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tàn dư nên nhiều gia đình vẫn có suy nghĩ coi trọng con trai với vai trò là người “nối dõi tông đường” hơn con gái. Trên một số lĩnh vực xã hội về cơ hội việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, thu nhập, chính sách chế độ cho nữ giới… vẫn còn những khoảng cách chưa được thu hẹp. Có thể nói, cho đến nay trong chừng mực nào đó thì khoảng cách giới vẫn còn là một “rào cản” cho sự phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần của nữ giới.
Vì vậy, việc nỗ lực để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, thu hẹp khoảng cách giới trên các lĩnh vực xã hội và trong gia đình là cần thiết để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, là cơ sở có ý nghĩa nền tảng để xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Tháng hành động về giới là cơ hội để vận động toàn xã hội tích cực hành động, để thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với mục tiêu cụ thể là giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là xâm hại tình dục.
Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền thực hiện luật pháp về bình đẳng giới, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về giới thì điều quan trọng là cộng đồng xã hội cần chung tay nỗ lực ngăn chặn nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Tại sao không?
H.Đ