Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt phân tán của hộ dân cư: Hiệu quả bước đầu
Trước tình hình xử lý rác thải ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, một số nơi đã xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, một mô hình xử lý rác thải sinh hoạt phân tán của hộ dân cư nông thôn đang được triển khai, bước đầu đạt hiệu quả thiết thực.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), cho biết: Khối lượng rác thải trên địa bàn tỉnh khá lớn, song tỉ lệ thu gom chỉ đạt gần 63%; trong đó, tỉ lệ thu gom rác thải tại các huyện, thị xã, thị trấn, khu đô thị chỉ đạt khoảng 40 - 60%, ở khu vực nông thôn chỉ đạt khoảng 10 - 20%... Có nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc liên quan đến các công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; công tác quy hoạch, xây dựng, vận hành các bãi chôn lấp rác thải; công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải... Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 15 bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh, nhưng hiện mới chỉ có 5 bãi chôn lấp rác đạt yêu cầu, còn lại là các bãi rác tạm hoặc bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Trước tình hình trên, Chi cục Bảo vệ môi trường đã phối hợp với Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh xây dựng mô hình “Xử lý rác thải sinh hoạt phân tán của hộ dân cư nông thôn”, triển khai tại xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn từ đầu tháng 8.2017, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn, đặc biệt ở những nơi chưa có hoạt động thu gom rác thải tập trung.
Mô hình được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm (60 ngày, thực hiện từ đầu tháng 8.2017), tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm và triển khai 5 điểm tại 5 hộ. Giai đoạn nhân rộng (70 ngày) tổ chức nhân rộng tại 20 hộ. Về công nghệ xử lý, mô hình sử dụng các chế phẩm vi sinh (dạng bột, dạng dung dịch) để ủ chất thải rắn hữu cơ (rau, thực phẩm thải bỏ, lá cây, phân gia súc, gia cầm...) thành phân compost. Có 2 hình thức ủ phân: ủ bằng thùng ủ (các hộ có diện tích sân vườn nhỏ, chỉ ủ rác sinh hoạt); ủ bằng hố đào có phủ bạt (diện tích sân vườn lớn, rác sinh hoạt được kết hợp xử lý chung với phân gia súc, gia cầm).
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết: Thực hiện mô hình, 5 hộ ở địa phương đã được cấp trang thiết bị và tập huấn, hướng dẫn quy trình xử lý rác thải. Đến nay, giai đoạn thí điểm đã hoàn thành và đạt kết quả tốt. Các hộ đã có thể chủ động thực hiện quy trình xử lý và khẳng định hiệu quả về môi trường so với các cách xử lý rác không đúng quy cách trước đây. Mô hình còn tạo ra nguồn phân bón hữu cơ có thể sử dụng trực tiếp cho trồng trọt.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường cho hay, từ những kết quả trên, Chi cục Bảo vệ môi trường và Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh đã nhất trí triển khai nhân rộng mô hình với sự tham gia của 20 hộ dân xã Bình Thuận; giai đoạn 2 của mô hình sẽ triển khai đến ngày 22.12.2017.
VIẾT HIỀN