Tập trung khôi phục chăn nuôi sau bão lũ
Bão số 12 kết hợp với mưa lũ lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho các gia trại, trang trại chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện, các ngành chức năng đang tập trung hỗ trợ người chăn nuôi khôi phục sản xuất sau bão lũ.
Ông Hồ Xuân Đẩu - chủ trang trại chăn nuôi gà ở thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (Tuy Phước) chăm sóc đàn gà.
Chăn nuôi bị thiệt hại nặng
Bão lũ đi qua đã làm cho trang trại chăn nuôi của ông Hồ Xuân Đẩu ở thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) bị thiệt hại rất nặng. Ông Đẩu tâm sự: “Với sức gió mạnh kèm với mưa to của bão số 12 đã làm cho trang trại chăn nuôi của tôi bị tốc mái. Dù nỗ lực chằng chống, che mưa cho đàn gia cầm nhưng do mưa lớn đã làm gần 2.000 con gà đẻ và đàn gà giống hậu bị chết dần, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng. Liên tiếp năm ngoái và năm nay, trang trại của tôi gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề do bão lũ. Bao nhiêu vốn liếng, công sức và đặc biệt là nguồn gà giống gầy dựng hàng chục năm nay bỗng chốc “đi tong”, không kịp trở tay. Hiện nay, tôi muốn khôi phục chăn nuôi cũng khó vì thiếu vốn, nguy cơ tái phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi lại khá cao. Nói vậy nhưng cũng phải tìm đủ mọi cách để khôi phục chăn nuôi. Hiện, tôi đang cố gắng chăm sóc đàn gà còn lại mong gỡ lại chút ít để trang trải vào dịp cuối năm”.
Đối với trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Nam, ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn), bão số 12 vừa qua đã làm sụp đổ một dãy chuồng trại, thiệt hại ước tính trên 100 triệu đồng. Ông Nam cho biết: “Rất may là trước khi bão đổ bộ, tôi đã kịp xuất bán lứa gà thịt đến tuổi xuất chuồng, chứ nếu không thì còn thiệt hại nhiều hơn nữa. Hiện, tôi đang nỗ lực khôi phục lại chuồng trại bị đổ ngã, nhập con giống nuôi lứa gà mới để kịp cung ứng cho thị trường sau Tết Nguyên đán sắp tới”.
Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đợt bão lũ vừa qua đã làm chết hơn 7.180 con gia súc, gần 12.000 con gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh, với tổng giá trị thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Do vậy, việc tổ chức khôi phục chăn nuôi sau bão lũ là rất cấp thiết nhằm sớm ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm cho nhân dân vào dịp cuối năm.
Lực lượng thú y huyện Vân Canh tăng cường công tác kiểm dịch đối với các phương tiện vận chuyển gia súc ra vào địa bàn huyện trên tuyến quốc lộ 19C.
Hỗ trợ khôi phục sản xuất
Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người chăn nuôi phục hồi sản xuất; tổ chức đánh giá thực tế nguồn con giống, số lượng giống còn thiếu để phục vụ cho sản xuất trước mắt. Công tác hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi bị thiệt hại trong bão lũ cũng đang được khẩn trương triển khai. Hiện, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Bình Định đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh nắm bắt và báo cáo về các thiệt hại của khách hàng có quan hệ tín dụng với các ngân hàng, nhằm rà soát, xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay mới với lãi suất thấp...
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y, cho biết: Công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm sau bão lũ đã và đang được đơn vị đặc biệt quan tâm, nhằm giữ ổn định không để dịch bệnh bùng phát. Hiện, Chi cục đã phân bổ cho các địa phương trong tỉnh 10 tấn thuốc sát trùng để tiêu độc sát trùng chuồng trại, cơ sở chăn nuôi, các ổ dịch bệnh cũ. Đơn vị cũng đang đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin để đề phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm tái phát như: lở mồm long móng, “tai xanh”, dịch tả, cúm gia cầm… Đồng thời, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để có biện pháp phòng chống kịp thời.
NGUYỄN HÂN