Siêu Cúp châu Âu: Bayern vs Chelsea - hai thế giới đối lập
Thành công của Hùm xám dựa trên nền tảng tài chính vững chắc, một hệ thống đào tạo trẻ chuyên nghiệp nhất thế giới… Chelsea ngược lại, vẫn phụ thuộc vào hầu bao của ông chủ Abramovich, đào tạo trẻ gần như bằng không. Bayern mang hình ảnh của nền bóng đá Đức. Còn The Blues chẳng đại diện cho ai cả.
BAYERN ĐI XÂY THÀNH CÔNG Sau chức vô địch Champions League 2012/13, theo xếp hạng của BrandFinance, một công ty chuyên về đánh giá thương hiệu, thì Bayern Munich đã vượt mặt M.U để trở thành đội bóng có giá trị thương hiệu cao nhất thế giới: 643 triệu euro. Trong năm 2013, giá trị thương của Bayern tăng 9% so với năm 2012. Chưa hết, Bayern còn được BrandFinance đánh giá mức độ tín nhiệm AAA, thang điểm cao chỉ sau AAA+. Dĩ nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Bayern được BrandFinance xếp hạng cao đến vậy. Bởi ai cũng biết, Bayern đang được coi là mô hình hoàn hảo cho các đội bóng noi theo.
Hùm xám có định hướng phát triển lâu dài và bên vững, dựa trên nền tảng tài chính vững chắc. Mùa 2011/12, theo hãng kiểm toán Deloitte, doanh thu của Bayern đạt 368,4 triệu euro, xếp thứ 4 trong danh sách những đội kiếm được nhiều tiền nhất ở châu Âu mùa bóng đó (sau Real 512 triệu euro, Barca 483, M.U 395 và hơn Chelsea 322,6). Tuy không bằng được các đại gia TBN và xứ sương mù nhưng ấn tượng ở chỗ doanh thu của Bayern tăng trưởng không ngừng. Được biết, năm 2012 đã tăng 22% so với một năm trước đó, thêm 81,4 triệu euro. Đặc biệt, doanh thu của Bayern không phụ thuộc vào tiền bản quyền truyền hình như các đại gia châu Âu khác. Trong 368,4 triệu euro doanh thu mùa 2011/12 thì có tới 201,6 triệu euro đến từ các hoạt động thương mại, chiếm 55%, nhiều nhất trong Top 5 kể trên. Việc Bayern biến họ trở thành một đế chế thương mại là một phần lý do quan trọng giúp Hùm xám có nền tảng tài chính ngày một vững chắc. Cần biết thêm, 3 năm liên tiếp gần nhất, Bayern thu lãi từ các hoạt động của CLB.
Chưa hết, nhà ĐKVĐ Champions League còn có hệ thống đào tạo trẻ bài bản bậc nhất thế giới. Bayern đang có mô hình đào tạo trẻ cho tổng cộng 12 lứa tuổi, từ 6 đến 17 tuổi. Cũng như các đội bóng Đức khác, Bayern năm nào cũng trích khoảng 5% thu nhập để đầu tư cho đào tạo trẻ. Năm ngoái, Hùm xám chi khoảng 5 triệu euro để vận hành hệ thống đào tạo trẻ. Sự chuyên nghiệp trong cách đào tạo trẻ giúp đội 1 của Bayern gồm rất nhiều cầu thủ do chính họ đào tạo như Philipp Lahm, Bastian Schweinsteiger, Thomas Mueller, Toni Kroos, David Alaba, Holger Badstuber. Cả Hummels (Dortmund), trung vệ hàng đầu của nước Đức cũng trưởng thành từ lò đào tạo của Bayern. Cuối cùng, Bayern có định hướng chuyển nhượng là những cầu thủ Đức (Hè này mua Goetze). Họ mang hình ảnh, truyền thống, tinh thần của một đội bóng Đức. Nói vậy để thấy, Bayern đi xây thành công, chứ không đi mua thành công. CHELSEA, MỘT HÌNH MẪU KHÁC Đối lập với Bayern là Chelsea. The Blues là một hình mẫu làm bóng đá khác hẳn. Nói cách khác, họ dùng tiền mua thành công, chứ không dựa trên nền tảng được xây dựng bài bản. Tới thời điểm này, tỷ phú Abramovich gắn bó với Chelsea được 10 năm. Nhưng mãi tới mùa 2011/12, The Blues mới lần đầu tiên làm ăn… có lãi. Mùa 2011/12, tổng doanh thu của Chelsea là 322,6 triệu euro và họ thu lãi khoảng 2 triệu euro. Dĩ nhiên đây là số tiền chẳng thấm vào đâu so với chi phí The Blues trả lương nhưng đó cũng là tín hiệu vui bởi mùa 2010/11, Chelsea còn lỗ 80 triệu euro. Nói vậy để thấy, 10 năm qua, The Blues vẫn phụ thuộc vào túi tiền Abramovich.
Chưa hết, cũng lâu lắm rồi Chelsea không giới thiệu được một gương mặt trẻ nào đáng chú ý. Trong quá khứ, khi Frank Arnesen làm GĐTT của Chelsea, họ từng chú trọng đến đào tạo trẻ. Tuy nhiên, dự án trẻ của The Blues gần như chấm dứt khi Arnesen sang Hamburg năm 2010. Khi Mourinho trở lại Stamford Bridge Hè này, ông hứa hẹn sẽ tập trung phát triển học viện đào tạo trẻ của Chelsea, điều mà Bayern đã làm từ năm… 2000. Trên TTCN, Chelsea là đội bóng sính ngoại. Mùa Hè này, họ không mang về một cầu thủ người Anh nào đáng chú ý. Nói cách khác, Chelsea không phải gương mặt đại diện cho bóng đá Anh. Cuối cùng, khác biệt còn đến từ những ông chủ. Đầu mùa giải năm nay, Abramovich lần đầu tiên sau 5 năm xuống phòng thay đồ Chelsea sau trận đấu. Còn Bayern, trận nào họ đá trên sân nhà cũng đầy đủ bộ sậu các lãnh đạo, từ Uli Hoeness, đến Matthias Sammer. Chelsea là đội bóng của Abramovich. Còn Bayern là đội bóng của tập thể, thậm chí của cả CĐV (nắm 1% cổ phần). Thế mới bảo, giữa Bayern và Chelsea là 2 thế giới hoàn toàn đối lập.
Theo Minh Việt-Bongdaplus