Lá cờ đầu của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân ở cơ sở
Ðoàn kết, năng động, sáng tạo trong huy động vốn và giải quyết vốn vay, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, Quỹ tín dụng nhân dân Nhơn Lộc (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) đã khẳng định là “lá cờ đầu” của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.
Từ vốn vay của Quỹ TDND Nhơn Lộc, ông Lê Xuân Quang đầu tư phát triển chăn nuôi hiệu quả.
Để phát triển tín dụng ở nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Nhơn Lộc kiên trì thực hiện phương châm “3 tại chỗ, 4 đi cùng”, gồm: Huy động vốn tại chỗ, cho vay tại chỗ, giám sát tại chỗ; cùng mục tiêu, cùng hưởng lợi, cùng chia sẻ trách nhiệm, cùng tham gia quản lý phát triển quỹ. Nguồn vốn của Quỹ được tập trung giải quyết cho người dân có nhu cầu để đa dạng hóa sinh kế, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới. Với cách làm này, Quỹ TDND Nhơn Lộc thu hút được nhiều thành viên tham gia, vốn hoạt động không ngừng tăng lên. Hiện, Quỹ đã có gần 5.600 thành viên; tổng vốn đạt 118,9 tỉ đồng, tăng 80,5 tỉ đồng. Lượng khách hàng vay vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi ngày càng nhiều.
“Hơn 10 năm trước, gia đình tôi bắt đầu chăn nuôi heo gia công cho Công ty chăn nuôi CP, thiếu vốn xây dựng chuồng trại nên vay từ Quỹ TDND Nhơn Lộc. Từ đó đến nay, cần vốn chừng 50 - 100 triệu đồng để sửa chữa, hoặc nâng cấp mở rộng quy mô chăn nuôi, tôi đều “cậy” quỹ”, ông Lê Xuân Quang, chủ trang trại chăn nuôi heo ở thôn Thọ Lộc 2 (xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn) cho hay.
Với kết quả hoạt động nói trên, giai đoạn 2012-2017, Quỹ TDND Nhơn Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; UBND tỉnh tặng Bằng khen và cờ thi đua xuất sắc; Liên minh HTX Việt Nam tặng thưởng Cúp vàng Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng.
Còn ông Nguyễn Xuân Tạo, cùng thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ, cũng là “khách ruột” của Quỹ TDND Nhơn Lộc, nhận xét: “Thủ tục giải quyết vốn vay của Quỹ TDND Nhơn Lộc đơn giản, thái độ phục vụ chuyên nghiệp, lãi suất hợp lý là lý do tôi thường xuyên vay vốn ở đây để đầu tư phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình”.
Bà Đặng Thị Nha, Giám đốc Quỹ TDND Nhơn Lộc, cho biết dù chịu sức ép cạnh tranh của nhiều tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn, nhưng Quỹ vẫn duy trì và phát triển tốt. “Năm 2011, lợi nhuận sau thuế của Quỹ là 389 triệu đồng, đến 2017 đạt 700 triệu đồng. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ và số nộp ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2017, số nộp ngân sách của Quỹ ước đạt 143 triệu đồng, tăng 47,4% so năm 2011”, bà Nha dẫn chứng.
Từ nguồn vốn vay của Quỹ TDND Nhơn Lộc, nhiều thành viên đã đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, chế biến nông sản; duy trì và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; phát huy hiệu quả nhiều mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, giải quyết việc làm cho người dân và giúp các xã Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Phúc có những chuyển biến tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
PHẠM TIẾN SỸ