Nắm bắt cơ hội để vươn ra “biển lớn”
Dù rất nỗ lực, song hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế của DN còn hạn chế.
Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định là một trong những DN nỗ lực hội nhập, sản xuất nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Nhiều DN chưa quan tâm
Trên góc nhìn của ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Bình Định từng là 1 trong 4 trung tâm chế biến gỗ của Việt Nam nhưng những năm gần đây, hoạt động của các DN gỗ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của ngành chế biến gỗ và lâm sản của tỉnh chỉ đạt khoảng 361,2 triệu USD, giảm 2,2% so với năm 2015, trong đó gỗ tròn giảm 85%. Bước sang năm 2017, tình hình có phần được cải thiện, nhưng cho hết tháng 10, giá trị KNXK của mặt hàng dăm gỗ vẫn giảm sút trên 22% so cùng kỳ. Đáng lo ngại, tỉ lệ giá trị KNXK của ngành chế biến gỗ và lâm sản Bình Định so tổng giá trị NKXK toàn tỉnh giảm từ 60% xuống còn 49,5%.
“Bên cạnh những khó khăn, thách thức, xu hướng HNKTQT mở ra nhiều cơ hội mới cho các DN tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất khu vực và quốc tế, tiếp cận các thị trường lớn, đẩy mạnh xuất khẩu. Ngành da, giày nhiều khả năng sẽ hưởng lợi đáng kể từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); các ngành thuộc khối kỹ thuật, công nghệ thông tin, y tế, dệt may... được dự báo thu hút nguồn nhân lực rất lớn”
Ông TRỊNH MINH ANH
Theo nhận định của ông Lập, bên cạnh tác động từ tình hình kinh tế thế giới và khu vực, một nguyên nhân khác là những “rào cản kỹ thuật” từ các nước nhập khẩu, trong đó có Quy chế gỗ châu Âu (EUTR), Hiệp định VPA/FLEGT…
Giám đốc Sở Công Thương Man Ngọc Lý cho hay, giá trị KNXK toàn tỉnh của 10 tháng năm nay chỉ tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nhiều mặt hàng giảm khá sâu, như: sản phẩm từ sắt thép giảm gần 86%, máy móc thiết bị và phụ tùng giảm 79,4%, gạo giảm gần 62%, giày, dép giảm 31%. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp của nhiều mặt hàng cũng giảm. “Đa số DN có quy mô nhỏ và vừa nên trình độ, năng lực quản trị, cũng như việc tiếp thu tiến bộ KHKT để sản phẩm đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế còn nhiều hạn chế. Nhiều DN thiếu quan tâm đến xu thế, thông tin hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), thậm chí chưa sẵn sàng để vươn ra “biển lớn”, người đứng đầu ngành Công Thương nhận định.
Khi đề cập đến vấn đề này, tại Hội nghị phổ biến kiến thức về HNKTQT diễn ra trong tuần qua tại TP Quy Nhơn, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, đã chỉ ra: Cũng như nhiều DN trong nước, các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định chưa quan tâm đầy đủ xu hướng HNKTQT và khu vực như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các hiệp định thương mại về biện pháp tự vệ, trợ cấp, phá giá, thương mại hàng dệt và may mặc, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ...
Nắm cơ hội để hội nhập, phát triển
Nói vậy, không có nghĩa bức tranh kinh tế và công tác HNKTQT trên địa bàn tỉnh hoàn toàn chỉ là màu xám, mà ngược lại vẫn có nhiều mảng sáng đáng ghi nhận. Dẫn chứng về ngành hàng gỗ và lâm sản của 10 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước, ông Đỗ Xuân Lập thông tin bằng những con số cụ thể: giá trị KNXK của nhóm sản phẩm gỗ toàn tỉnh đạt 190,2 triệu USD, tăng 6,2%; nhóm gỗ đạt gần 108 triệu USD, tăng 8,8%.
Nhìn rộng ra, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng gần 8,8% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị KNXK đạt gần 590 triệu USD, tăng 2,5%. Đáng chú ý, một số mặt hàng có giá trị KNXK tăng khá, như: mì và các sản phẩm từ mì; sản phẩm từ chất dẻo...
“Những năm gần đây, UBND tỉnh đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện HNKTQT, triển khai đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, xây dựng và phát triển các yếu tố thị trường. Đó là những điều kiện thuận lợi cho DN, vấn đề nằm ở chỗ DN phải biết nắm bắt cơ hội để từng bước hội nhập và phát triển”, ông Man Ngọc Lý khẳng định.
VIẾT HIỀN