Ðể cá, tôm hội nhập
Liên quan tới nạn đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU), tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Hoa Kỳ cũng đã thông báo chính thức sẽ áp dụng IUU vào ngày 1.1.2018.
Năm 2017, ngành khai thác thủy sản của tỉnh được mùa và được giá, tăng 5-10% so cùng kỳ. Các thị trường Pháp, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha chiếm khoảng 45% hàng xuất khẩu của các DN trong tỉnh. Như vậy, việc EU rút “thẻ vàng” đồng nghĩa sắp tới các thị trường nằm trong khối này sẽ kiểm tra nghiêm ngặt hơn sản phẩm - một thách thức rất lớn cho DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng.
Phải khẳng định rằng, vấn đề này không mới. Thậm chí đã được nói rất nhiều và rất gay gắt ở nhiều diễn đàn.
Trong 3 khó khăn, kiến nghị được bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, nêu ra tại buổi gặp mặt cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh mới đây, cái khó về các rào cản kỹ thuật từ quốc tế mà điển hình là nạn đánh bắt bất hợp pháp, ảnh hưởng lớn, đe dọa sự phát triển của ngành Thủy sản. Còn nhớ, trong một hội thảo của các sở, ngành chức năng của tỉnh với ngư dân, có sự góp mặt của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) để xây dựng thương hiệu cho cá ngừ đại dương của Bình Định, vấn đề này cũng đã được ít nhiều “xới” lên với không ít e ngại.
Các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản cho rằng, để đáp ứng các yêu cầu của IUU cần có sự tham gia của ngư dân và giải pháp hiệu quả nhất là DN sẽ chỉ thu mua nguyên liệu hợp pháp, có thể truy xuất nguồn gốc. Mỗi chuyến biển ngư dân phải ghi chép nhật ký, sau đó thuyền trưởng ký vào và cung cấp cho quản lý cảng cá, chi cục thủy sản, khi kết thúc chuyến biển…
Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một sản phẩm vốn có thế mạnh xuất khẩu phải đi trên con đường gập ghềnh như hôm nay có một phần xuất phát từ sự chấp nhận dễ dãi những “thói quen” của “nghề cá nhân dân”, đó là nhỏ về quy mô, yếu về trình độ và thiếu trang thiết bị. Vì thế, việc EU rút “thẻ vàng” lần này, theo nhiều ý kiến cũng là cơ hội để ngành khai thác hải sản đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Không còn cách nào khác ngoài việc phải tuân thủ “luật chơi” chung của thế giới.
Để giải quyết, cần có cả một chiến lược phát triển kinh tế biển từ trung ương đến địa phương, với sự vào cuộc quyết liệt từ mỗi DN cho đến mỗi ngư dân. Cơ quan quản lý không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng hơn hết, nhận thức và nỗ lực bằng chính chất lượng cũng như quyết tâm bảo vệ thương hiệu của từng DN mới là “đôi giày vạn dặm” để con cá, con tôm của chúng ta vững bước đi xa trên con đường hội nhập.
HOÀNG ANH