ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ:
Cần đảm bảo đất ở, đất sản xuất
Tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thiếu đất ở, đất sản xuất còn khá phổ biến. Giải quyết được tình trạng này là một trong những giải pháp căn cơ để họ ổn định đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thiếu đất sản xuất, nhiều gia đình người Bana ở thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) phải đóng cửa, quay lại làng cũ để làm nương rẫy.
Trong giai đoạn 2014 - 2016, trên địa bàn tỉnh có 1.385 hộ dân tộc thiểu số (DTTS, - bao gồm cả các hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn) được cấp hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, với tổng diện tích 496,55 ha. Trong đó, đất ở có 351 hộ/65,68 ha, đất sản xuất có 1.034 hộ/430,87 ha. Dù vậy, số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn còn nhiều.
Thiếu đất ở, đất sản xuất
Nhiều lần trở lại làng Hà Rơn và làng Klotpok (thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh), vẫn là một hình ảnh quen thuộc. Nhiều căn nhà xây khóa chặt cửa, nhà sàn bên cạnh cũng im ỉm, trước sân cỏ dại lên quá đầu gối. Thỉnh thoảng mới gặp một vài cụ già, mấy đứa trẻ. Ấy là bởi, dân làng đã quay trở lại làng cũ để sản xuất. Bà Đinh Thị Rắp, 61 tuổi, ở làng Klotpok, nói: “Đi làm xa vậy đâu ai muốn, nhưng ở đây thì thiếu đất trồng trọt. Thanh niên trai tráng đi cả, lâu lắm mới về nhà một lần”.
Gần 12 năm sau khi tái định cư tại nơi ở mới, thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn là nỗi lo của người Bana ở thị trấn Vĩnh Thạnh. Theo thống kê mới nhất của UBND thị trấn Vĩnh Thạnh, làng Hà Rơn có 3 hộ thiếu đất ở với diện tích 0,06 ha, 18 hộ thiếu đất sản xuất với 270 ha. Làng Klotpok còn khó khăn hơn, khi có đến 14 hộ thiếu 0,28 ha đất ở, 25 hộ thiếu 375 ha đất sản xuất. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Thạnh Ngô Tấn Huy, thị trấn không có quỹ đất để bố trí, nên bà con phải quay lại nơi sản xuất cũ ở xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Kim.
Đó không phải là hiện tượng cá biệt. Theo kết quả giám sát do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện mới đây, số hộ DTTS thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh còn nhiều. Tình trạng thiếu đất ở phổ biến nhất là tại huyện Vĩnh Thạnh, với 351 hộ/7,02 ha; thiếu đất sản xuất có 1.733 hộ/537,23 ha, 605 hộ không có đất sản xuất. Huyện Vân Canh có 334 hộ thiếu đất ở với 6,68 ha, thiếu đất sản xuất có 312 hộ/40,56 ha, không có đất sản xuất 277 hộ. Với huyện An Lão, thiếu đất ở có 335 hộ/6,7 ha, thiếu đất sản xuất có 1.856 hộ/464 ha, không có đất sản xuất 1.016 hộ. Còn ở Tây Sơn, thiếu đất ở có 71 hộ/1,42 ha, thiếu đất sản xuất 309 hộ/61,8 ha, không có đất sản xuất 52 hộ.
Ðể đồng bào “an cư, lạc nghiệp”
Theo nhận định của lãnh đạo các địa phương có đông người DTTS sinh sống, nơi cư trú của đồng bào chủ yếu có địa hình chia cắt phức tạp, ít đất ở và đất sản xuất, bà con lại ở phân tán. Sự gia tăng dân số (tự nhiên và cơ học) ở vùng DTTS diễn ra khá nhanh, việc tách hộ gia đình phổ biến, những hộ mới hầu như đều thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất. Thêm vào đó, công tác tổng hợp, rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ còn thiếu chính xác, làm chậm tiến độ phê duyệt, khó xác định nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện.
Đáng chú ý, công tác xây dựng quy hoạch chi tiết, xây dựng dự án tạo quỹ đất ở, đất sản xuất nông lâm nghiệp còn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Công tác rà soát đất đai tại các công ty lâm nghiệp để thu hồi diện tích đất không sử dụng, hoặc sử dụng không có hiệu quả trả lại địa phương để giao cho các hộ thiếu đất sản xuất còn chậm. Giải pháp đào tạo nghề, chuyển nghề, thu hút việc làm… chưa đạt mục tiêu giảm áp lực thiếu đất sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Sĩ Dũng, việc thực hiện các chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất được tiến hành đồng thời với đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, thu hút lao động, xuất khẩu lao động… không chỉ giải quyết các khó khăn, bức xúc trước mắt của đồng bào DTTS nghèo. Đó còn là những chính sách có tính căn bản, có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH, nâng cao dân trí, xây dựng nông thôn mới ở vùng miền núi, vùng DTTS.
Ông Dũng cho rằng, các huyện có đồng bào DTTS cần phân loại các hộ không có đất và thiếu đất sản xuất (hộ có nhu cầu về đất để sản xuất; hộ thật sự có nhu cầu về giao rừng, khoán rừng; hộ có nhu cầu phát triển chăn nuôi, dịch vụ, ngành nghề…) để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ rà soát đất đai, xác định diện tích đất không sử dụng, hoặc sử dụng không có hiệu quả đề xuất UBND tỉnh thu hồi, giao cho địa phương để giao cho các hộ thiếu đất sản xuất.
“Các huyện cần chỉ đạo UBND xã phối hợp với các phòng chuyên môn, căn cứ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch nông thôn mới để xây dựng quy hoạch chi tiết, lập dự án khai hoang, xây dựng quỹ đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện việc giao đất cho các hộ thiếu đất hoặc không có đất sản xuất”, ông Dũng nói.
MAI LÂM