TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP:
Nhiều vướng mắc, bất cập
Ðược xác định là yêu cầu bắt buộc, vừa giảm gánh nặng ngân sách, vừa tạo điều kiện để các đơn vị phát triển độc lập, nhưng việc triển khai thực hiện tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh khá chậm và nhiều bất cập.
Tự chủ tài chính trong các ĐVSNCL trong ngành mới dừng ở tự chi trả lương, chứ chưa tự chủ hoàn toàn.
- Trong ảnh: Khám bệnh và tiêm thuốc cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ảnh: VĂN LƯU
Tính từ năm 2006 - khi triển khai Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) khối tỉnh được giao quyền tự chủ về kinh phí là 168 đơn vị (đạt 100%); khối huyện có 645 ĐVSNCL thì có 576 đơn vị thực hiện tự chủ tài chính (TCTC).
Tự chủ, rồi xin “vào”
Tuy nhiên, đi vào cụ thể mức độ TCTC, Nghị định 43 phân thành 3 loại: loại I (tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động), loại II (tự đảm bảo một phần kinh phí) và loại III (do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ). Trong đó, tuyến tỉnh có 168 đơn vị đã tự chủ; riêng loại III có 52 đơn vị, loại II có 104 đơn vị, còn loại I đến nay chỉ... 12 đơn vị. Ở tuyến huyện, chưa có đơn vị nào thoát ly hoàn toàn “bầu sữa” ngân sách.
Thậm chí, câu chuyện TCTC trong các ĐVSNCL “nóng” hơn khi tận dụng gần hết thời gian được “giãn” là hết năm học 2017-2018, mới đây, Sở GD&ĐT báo cáo lên tỉnh về việc 13 trường mầm non công lập không đủ sức “tự bơi” khi tự chủ hoàn toàn về tài chính theo lộ trình đã được HĐND tỉnh thông qua. UBND tỉnh đã triệu tập cuộc họp liên ngành và chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra tình hình thực tế tại 13 trường nằm trong danh sách nói trên.
“Biết là sẽ khó cho một số ĐVSNCL, nhưng TCTC cũng phải đòi hỏi sự năng động gắn với trách nhiệm của chính ĐVSNCL. Và cũng phải khẳng định, tới đây, nhà nước “đặt hàng” công việc chứ không bao cấp như trước nữa”
ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài chính
Đến năm 2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL. Thay thế Nghị định 43 nên Nghị định 16 được đánh giá là điều chỉnh cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với ĐVSNCL theo hướng tăng cường trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích các đơn vị có điều kiện vươn lên tự chủ ở mức cao.
Kết quả, đến thời điểm này, mới có một số đơn vị trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và KH&CN được UBND tỉnh phê duyệt TCTC theo hiện trạng “Vẫn chưa có ĐVSNCL nào của tỉnh thực hiện TCTC theo đúng cơ chế của Nghị định 16/2015/NĐ-CP, nghĩa là có đầy đủ quy hoạch mạng lưới, danh mục dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy định về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ”, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Hưng cho hay.
Gắn trách nhiệm và sự năng động
Lý giải Nghị định 16 đến nay vẫn chỉ dừng trên văn bản, nhiều sở, ngành đều có chung ý kiến: “Ra đời đã 2 năm, nhưng Nghị định 16 mới chỉ là nghị định khung. Các bộ và cơ quan liên quan vẫn chưa ban hành đầy đủ nghị định quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong từng lĩnh vực. Ngược lại, một số nghị định quy định thì lại chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể”.
Trước tình trạng này, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trên từng lĩnh vực. Các bộ, ngành Trung ương cũng phải ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong từng lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; cũng như các thông tư, văn bản hướng dẫn để các cơ quan, đơn vị có cơ sở triển khai. Trước mắt, các sở, ngành đã được hướng dẫn tạm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật theo hiện trạng hoạt động của ngành cho đến khi có quy định chính thức từ Chính phủ.
Nhiều ĐVSNCL đều xác định, việc TCTC là một xu thế tất yếu, nhằm tăng cường tính tự chủ, nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi phương thức từ cấp phát, phân bổ ngân sách theo sản phẩm “đầu vào” trước đây sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo sản phẩm “đầu ra”. Tuy nhiên, đi vào thực tế triển khai không ít vướng mắc và bất cập nảy sinh khi ĐVSNCL, nhất là khối phục vụ an sinh xã hội. Trong khi, TCTC thì chất lượng dịch vụ phải đi liền với giá cả cũng phải “mở” tính đúng, tính đủ.
Khẳng định TCTC trong các ĐVSNCL trong ngành mới dừng ở tự chi trả lương, chứ chưa tự chủ hoàn toàn, theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, hiện tại nguồn thu lớn nhất của các bệnh viện công lập là từ khám chữa bệnh BHYT. Nhưng cái khó là mệnh giá thẻ BHYT còn rất thấp, trong khi quyền lợi khám chữa bệnh của người có thẻ lại khá cao; nhu cầu khám chữa bệnh cũng ngày càng tăng; ứng dụng kỹ thuật hiện đại; thông tuyến...
“Những điều trên làm cho khả năng mất cân đối quỹ BHYT rất lớn và gia tăng vượt quỹ, vượt trần, dẫn đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến TCTC của các ĐVSNCL. Chưa kể, để tự chủ được tài chính phải kèm theo những điều kiện khác rất quan trọng như tự chủ về nhân lực; đi kèm cơ chế chi trả lương, phúc lợi phù hợp với hiệu quả công việc; cũng như năng lực quản lý của người đứng đầu”, ông Hùng cho hay.
Điều này được ông Nguyễn Văn Hưng chia sẻ khi trên thực tế một số ĐVSNCL TCTC hoàn toàn đến thời điểm này của tỉnh khá ít và đều nằm trong nhóm đơn vị đã có lợi thế về cơ sở hạ tầng, thiết bị, thậm chí cả “thương hiệu”; hoặc là những đơn vị hoạt động trong các ngành nghề vốn độc quyền nhà nước trước đó. “Biết là sẽ khó cho một số ĐVSNCL, nhưng TCTC cũng phải đòi hỏi sự năng động gắn với trách nhiệm của chính ĐVSNCL. Và cũng phải khẳng định, tới đây, nhà nước “đặt hàng” công việc chứ không bao cấp như trước nữa”, ông Hưng khẳng định.
THU HIỀN