Giải đáp pháp luật
Hỏi: Cha mẹ tôi qua đời để lại ngôi nhà cấp 4, mà không để lại di chúc. Cha mẹ tôi có 5 người con, trong đó có một người con trai đầu là anh hai tôi đã chết sau khi lập gia đình và đã có con. Hiện tại bốn anh chị em tôi thống nhất bán nhà chia đều nhau. Nhưng, chị dâu tôi (vợ anh hai) phản ứng với cách chia này. Chị ấy yêu cầu, phải chia đều ra làm 5 phần, để lại một phần cho con của chị ấy. Bốn anh em nhà tôi không đồng ý, bởi trước đây anh hai lập gia đình có vợ, con đã được cha mẹ cho rồi. Vậy yêu cầu của chị dâu tôi là đúng hay sai?
Ông Trần Đào (phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn)
Trả lời: Theo Bộ luật Dân sự, tại điều 652 có quy định về Thừa kế thế vị như sau: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Vấn đề ông hỏi, vì cha mẹ ông qua đời không để lại di chúc, nên các anh, chị, em ông được thừa kế theo pháp luật, nên mỗi người được hưởng phần di sản bằng nhau, trong đó có anh hai ông. Vì anh hai ông đã qua đời, theo quy định tại điều 652 Bộ luật dân sự vừa nêu trên, thì con anh hai ông được thừa kế thế vị. Yêu cầu của chị dâu ông là đúng theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Hỏi: Trường hợp giáo viên nữ dạy cấp 3, có thời gian nghỉ sinh con trùng vào dịp nghỉ hè, vậy họ có được nghỉ thêm 2 tháng nữa để bù vào 2 tháng hè bị trùng không?
Ông Ngô Tùng Thiện (TP Quy Nhơn)
Trả lời: Khoản 1 Điều 34 Luật BHXH 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau: “Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng”.
Vấn đề ông hỏi, trường hợp nêu trên thời gian nghỉ thai sản trùng vào thời gian nghỉ hè chưa được quy định chi tiết trong các văn bản pháp luật hiện hành, nên chưa thể giải quyết nghỉ bù.
B.B.Ð