Chí sĩ Tăng Bạt Hổ đã được tôn vinh xứng tầm
Trên mảnh đất Bình Định giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, những năm qua tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động và xây dựng nhiều công trình nhằm hướng về cội nguồn, tôn vinh quá khứ vẻ vang của cha ông mà từng thế hệ đã dày công vun đắp. Điều đó chẳng những nói lên lòng tự hào và biết ơn tiền nhân mà còn góp phần đắc lực vào tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước của thế hệ hôm nay cũng như mai sau.
Vừa qua, Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ được đầu tư khoảng 5 tỷ đồng tôn tạo và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công nhận di tích cấp quốc gia.
Tăng Bạt Hổ là một bậc hào kiệt, một nhà yêu nước nhiệt thành. Suốt cuộc đời mình, ông chỉ hoạt động cho lý tưởng cao cả - lý tưởng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của Thực dân Pháp, giành lại nền độc lập cho quốc gia và đưa đất nước phát triển. Hai năm cầm quân chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương yêu nước, hai mươi năm bôn ba hải ngoại, ba năm trực tiếp hoạt động trong phong trào Đông Du. Chính ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa phong trào yêu nước này đi vào thời kỳ hoạt động đầy sôi nổi, triển vọng.
Có thể nói, 20 năm hoạt động ở nước ngoài, tìm cách cứu nước, Tăng Bạt Hổ đã thổi vào Duy Tân Hội một luồng gió mới và là người góp phần quan trọng trong việc mở ra cho phong trào Đông Du một phương hướng hoạt động trọng yếu của tổ chức Duy Tân Hội thời bấy giờ.
Cuộc đời nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ là một chuỗi hành trình hoạt động sôi nổi, miệt mài nhằm mục đích đánh đuổi ngoại xâm giải phóng dân tộc. Tăng Bạt Hổ tích cực tham gia các phong trào Cần Vương - Duy Tân - Đông Du, ông là người có đóng góp lớn cho các phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ông xứng đáng được nhân dân tôn vinh, Tổ quốc đời đời ghi công.
Súng lục của Tăng Bạt Hổ. Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Để tưởng nhớ ông, Năm 2001, tại khu đất Gò Điếm (nguyên là đất của dòng họ Tăng, thuộc làng An Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) được quy hoạch lấy một phần diện tích là 5.256m2 xây dựng khuôn viên khu Đền thờ Chí sĩ Tăng Bạt Hổ. Đền thờ đã được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích năm 2003. Những năm qua, nơi đây là điểm đến thăm viếng, chiêm bái của nhân dân địa phương, một địa chỉ tham quan của du khách trong và ngoài nước và là một địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tìm hiểu lịch sử địa phương của thanh thiếu niên, học sinh trong tỉnh. Nơi đây còn là điểm đến trong tuyến tham quan thăm viếng Bình Định của du khách trong nước và nước ngoài mỗi khi về Bình Định. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo cấp nhà nước đều đến thăm viếng Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ mỗi khi có dịp về công tác ở tỉnh. Hàng năm, vào ngày 27 tháng Chạp (âm lịch), nhân dân và chính quyền địa phương tổ chức giỗ ông theo nghi thức truyền thống.
Năm 2013, công trình Đền thờ Chí sĩ Tăng Bạt Hổ được tôn tạo, nâng cấp các hạng mục: đền thờ chính, sân vườn, tường rào cổng ngỏ, đưa một phần đất mộ và rước vong chí sĩ Tăng Bạt Hổ từ khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu ở thành phố Huế về phục dựng mộ Tăng Bạt Hổ tại khu di tích Đền thờ, với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của tỉnh, huyện và xã hội hóa. Hiện nay, UBND huyện Hoài Ân đang lập quy hoạch tiếp tục tôn tạo và mở rộng tổng diện tích khu di tích Đền thờ Chí sĩ Tăng Bạt Hổ lên 10.900m2 trình các cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Để vinh danh nhà chí sĩ yêu nước xứng tầm, và cũng là để xác lập những cơ chế nhằm bảo vệ và phát huy di tích trong đời sống hiện tại và bảo tồn lâu dài. Bộ VH-TT-DL vừa có Quyết định số: 2914/QĐ-BVHTTDL ngày 26.8.2013 công nhận Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Di tích Đền thờ Tăng Bạt Hổ là nơi ghi nhớ công lao đóng góp của ông đối với sự nghiệp cứu nước của dân tộc ta, đồng thời nêu cao tấm gương anh hùng hào kiệt tận tụy vì nước vì dân để các thế hệ mai sau học tập noi theo. Di tích có giá trị nghiên cứu giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân về truyền thống yêu nước, từ đó động viên họ phát huy sức lực và trí tuệ đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh giá trị nghiên cứu giáo dục, di tích còn có giá trị nghiên cứu lịch sử, các địa danh: Gò Điếm, hòn Tổng Dinh, hòn Kho, gò Bố… là những di tích lịch sử trên quê hương Hoài Ân một thời gắn với những hoạt động trong phong trào Cần Vương chống Pháp của Tăng Bạt Hổ. Đây là những cơ sở xác thực để các nhà nghiên cứu, các em học sinh, sinh viên tìm hiểu đầy đủ về các hoạt động của nghĩa quân Cần Vương bắc Bình Định.
Xây dựng tôn tạo và phát huy di tích lưu niệm về nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ cũng như nâng cấp hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia Đền thờ là việc làm hết sức có ý nghĩa, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, điều đó cũng góp phần làm cho tinh thần yêu nước, đức tính hy sinh cao cả vì quê hương, dân tộc của Tăng Bạt Hổ sống mãi cùng non sông đất nước.
Tăng Bạt Hổ là một nhà cách mạng xuất dương trước nhất, chủ trương Duy Tân, tự cường để giải phóng dân tộc, suốt cả cuộc đời vì dân vì nước. Tên tuổi của ông cùng với những nhà yêu nước khác như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Nguyễn Thượng Hiền … mãi mãi được khắc sâu trên đài tưởng niệm những anh hùng, chí sĩ của dân tộc.
Nguyễn Thanh Quang
Xin trả lời đọc giả Nguyễn Khiết. Rất cảm ơn ý kiến góp ý của đọc giả. "NGUYÊN là đất của dòng họ Tăng". Đây là tư liệu điền giã và đã được thông qua dòng họ và chính quyền địa phương (xã, huyện) 2 lần (1 lần xếp hạng cấp tỉnh, 1 lần xếp hạng cấp quốc gia). Một điều xin lưu ý là: từ NGUYÊN không phải là trước khi vào Hợp tác xã năm 1979. "chủ đất là bà Nguyên Thị Ngại", mà từ Nguyên có nghĩa: "gốc gác xa xưa", từ nhiều đời trước vốn là đất của dòng họ Tăng. Do vậy, nếu có gặp anh Thuần cũng không thể rõ được. Xin cảm ơn. Nguyễn Thanh Quang.
Trong bài viết " Chí sĩ Tăng Bạt Hổ đã được tôn vinh xứng tầm " của Nguyễn Thanh Quang đã thông tin sai lạc về chủ sở hữu khu đất đền thờ Tăng Bạt Hổ : " Để tưởng nhớ ông, Năm 2001, tại khu đất Gò Điếm (nguyên là đất của dòng họ Tăng, thuộc làng An Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) được quy hoạch lấy một phần diện tích là 5.256m2 xây dựng khuôn viên khu Đền thờ Chí sĩ Tăng Bạt Hổ ". Tác giả nên biết diện tích đất 5.256 m2 ( bao gồm đất Gò Điếm ) không phải là đất của dòng họ Tăng. Đền thờ Tăng Bạt Hổ hiện tại tọa lạc trên đất của giòng họ Nguyễn, chủ đất là bà Nguyễn thị Ngại (đã mất ) thân mẫu của Nhạc Sĩ Nguyễn Hữu Thuần hiện ở Thành phố Qui Nhơn. Đề nghị tác giả liên hệ với Nguyễn Hữu Thuần nếu muốn biết rõ để viết đúng về đất đền Tăng bạt Hổ.