TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): cần quy định chặt chẽ hơn về các trường hợp phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác
Đó là kiến nghị của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh trong phiên thảo luận sáng ngày 21.11 tại hội trường về Dự án luật nêu trên.
Đây là một Dự án luật được cử tri và Nhân dân cả nước rất quan tâm. Dự án Luật trình tại kỳ họp này có nhiều đổi mới với nhiều chế định sửa đổi, bổ sung như: mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước, vì trên thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực nhà nước; về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; về chuyển đổi vị trí công tác và thời hạn chuyển đổi vị trí công tác...
ĐB Lý Tiết Hạnh cho rằng:
Về nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác (Điều 31 Dự thảo Luật)
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 31 Dự thảo Luật, đối tượng phải chuyển đổi vị trí công tác là cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; trong khi đó đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ (khoản 3 Điều 31). Quy định như dự thảo Luật chưa đảm bảo toàn diện, chưa đạt được mục tiêu đề ra và không thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Bởi vì, cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phần lớn là những người làm công tác chuyên môn, người thừa hành, thực thi các mệnh lệnh của cấp trên. Trong nhiều trường hợp, họ muốn tham nhũng phải có sự dung túng, bao che của cấp trên. Trong khi đó, đối tượng chính, dễ xảy ra tham nhũng là cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý lại được điều chỉnh bởi một hoặc một số văn bản dưới luật. Đồng thời, mục tiêu chính của chủ trương về luân chuyển cán bộ là gắn với công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ chứ không phải là phòng ngừa tham nhũng. Do đó, đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ lãnh đạo, quản lý và xem đây là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Về các lĩnh vực, ngành nghề phải định kỳ chuyển đổi (Điều 32)
Dự thảo Luật quy định mang tính liệt kê, chi tiết, vừa thừa, vừa không đầy đủ, thiếu tính bao quát vì chưa xác định rõ tiêu chí. Việc áp dụng các lĩnh vực, ngành nghề phải định kỳ chuyển đổi đối với cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ và không có chức vụ chưa tạo được sự thống nhất. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu quy định theo hướng xác định rõ tiêu chí, cơ sở các lĩnh vực, ngành nghề phải định kỳ chuyển đổi.
Về chuyển đổi vị trí công tác (Điều 33)
Về cơ bản, tôi đồng tình việc chuyển đổi vị trí công tác là một biện pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét tính chặt chẽ, tính hiệu quả của quy định này ở các khía cạnh sau: Trong thực tế các lĩnh vực, ngành, nghề, vị trí công tác định kỳ phải chuyển đổi như quy định trong dự thảo phần lớn là những người làm chuyên môn sâu, đòi hỏi vững vàng, có kinh nghiệm, phải quen và thạo việc ở nhiều cơ quan. Do đó, nếu trong điều kiện bình thường phải thường xuyên thực hiện chuyển đổi vị trí công tác trong thời gian ngắn (dự thảo luật quy định từ 2-5 năm, trường hợp đặc biệt không vượt quá 10 năm) sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và thời gian tiếp cận công việc của cán bộ, công chức, viên chức, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc ở vị trí mới. Vấn đề này cũng liên quan đến việc thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực thi công vụ hiện nay. Đề nghị cần xem xét một cách cụ thể, vì vấn đề này làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của các cơ quan công quyền đối với người dân. Ngoài ra, đây cũng là một kẽ hở pháp luật dễ bị lợi dụng, nảy sinh vấn đề tiêu cực nếu người có thẩm quyền thực hiện việc điều chuyển, sử dụng cán bộ không công tâm, gây bè phái, cục bộ, dẫn đến không đảm bảo công bằng. Vì vậy, đề nghị Dự thảo Luật cần có quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về các trường hợp phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, trong đó lưu ý các biện pháp đồng bộ như đánh giá cán bộ, nắm tình hình dư luận nhân dân, phản ảnh của doanh nghiệp, v.v.. để tránh sự áp dụng tùy nghi, thiếu thống nhất.
Cần quy định trách nhiệm pháp lý cụ thể
Dự thảo Luật chưa quy định trách nhiệm pháp lý khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thực hiện, thực hiện không tốt, hoặc lợi dụng việc điều chuyển vị trí công tác để trù dập những người không cùng e kíp hoặc bố trí người thân vào các vị trí quan trọng, dễ có cơ hội tham nhũng... sẽ bị xử lý như thế nào? Đây là vấn đề trong thực tế thường xảy ra, vì vậy đề nghị cần bổ sung các quy định, chế tài đủ mạnh vào dự thảo Luật để đảm bảo tính nghiêm minh, hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Sỹ Nguyên (ghi )