Xã Phước Mỹ: Trồng rừng cho thu nhập cao
Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của các chương trình, dự án và sự mạnh dạn đầu tư của người dân, kinh tế rừng đã giúp nhiều hộ dân ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn có thu nhập cao, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.
Nông dân Phước Mỹ thu hoạch rừng trồng. Ảnh: N.NHUẬN
Xã Phước Mỹ có diện tích rừng lớn, địa hình đồng bằng và đồi núi thấp, thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp và trồng rừng kinh tế. Tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn xã trên 5.611 ha, trong đó đất rừng phòng hộ gần 3.202 ha, đất rừng sản xuất 2.409 ha. Đến thời điểm này, nông dân xã Phước Mỹ đã khai thác từ rừng trồng được trên 10.800 tấn gỗ keo, trị giá hơn 12,6 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Cư, ở thôn Thanh Long, trồng 20 ha keo lai, ngoài ra còn trồng rừng thuê cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn và mua rừng keo ở các địa phương khác để bán lại, chia sẻ: “Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây chọn trồng rừng là nghề chính. Những năm trước giá keo tăng cao, tôi thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm, có năm trên 1 tỉ đồng; ngoài ra còn tạo việc làm cho 50 - 60 lao động ở trong và ngoài địa phương”.
Chị Nguyễn Thị Minh, cũng ở thôn Thanh Long, thổ lộ: “Từ năm 2009 đến nay, gia đình tôi trồng 40 ha keo lai, bình quân thời gian trồng từ 5 - 7 năm là khai thác. Thu nhập từ rừng trồng của gia đình trên 100 triệu đồng/năm”.
Ông Nguyễn Ngọc Tài, cán bộ khuyến nông xã Phước Mỹ, cho biết: Từ tháng 8.2008 đến tháng 3.2015, dự án WB3 được triển khai tại xã Phước Mỹ với 720 lượt hộ dân tham gia. Sau khi dự án WB3 kết thúc, bà con vẫn tiếp tục đầu tư trồng rừng. Giá gỗ keo mấy năm trước dao động từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/tấn, hiện nay giảm xuống còn 900 ngàn đồng/tấn, nhưng bà con vẫn có thu nhập khá.
Để phát triển bền vững kinh tế rừng ở địa phương, hàng năm UBND xã Phước Mỹ phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT cho nông dân áp dụng chăm sóc và khai thác rừng trồng theo đúng quy trình, đúng chu kỳ để đạt hiệu quả kinh tế cao. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cũng được địa phương chú trọng.
Bà Đặng Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ, cho biết: “Toàn xã có 1.783 hộ dân, trong đó 50% có trồng rừng, thu nhập chính của bà con là từ cây lâm nghiệp. Để giúp người dân phát triển kinh tế rừng, UBND xã kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nâng mức cho vay vốn từ 15 triệu đồng/hộ lên 20 triệu đồng/hộ. Xã đã thành lập 7 nhóm hộ trồng rừng, mỗi nhóm từ 24 - 35 hộ để hỗ trợ nhau trồng, chăm sóc rừng, phòng cháy chữa cháy rừng”.
NGỌC NHUẬN