THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 108/2017 CỦA CHÍNH PHỦ:
Siết chặt quản lý sản xuất kinh doanh phân bón
Từ ngày 20.9.2017, công tác quản lý nhà nước về phân bón và hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 108/2017 của Chính phủ. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Ðào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, quanh vấn đề này.
* Phân bón là loại vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, song hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) mặt hàng này diễn biến khá phức tạp. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động SXKD và công tác quản lý nhà nước về phân bón tại tỉnh ta trong thời gian qua?
- Trên địa bàn tỉnh hiện có 37 DN, 98 cơ sở SXKD các loại phân bón vô cơ và 785 cơ sở kinh doanh các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh cùng thuốc bảo vệ thực vật… Trong đó, nhiều DN thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, song cũng có một số cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh các loại phân bón mà vẫn hành nghề, bán sản phẩm không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn công bố hoặc kinh doanh sản phẩm ngoài danh mục, quá hạn sử dụng… để trục lợi, ít nhiều ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản…
Công tác quản lý nhà nước (QLNN) về phân bón được thực hiện theo Nghị định 202/2013 của Chính phủ, trong đó ngành Công Thương được giao nhiệm vụ quản lý các loại phân bón vô cơ, như NPK, urê… được sử dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp (SXNN), còn các loại phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác ít sử dụng hơn lại được giao cho ngành Nông nghiệp quản lý. Trong khi ngành Nông nghiệp thường xuyên gắn bó với nông dân, hướng dẫn nông dân sử dụng các loại vật tư phân bón, và khi nông dân sử dụng phân bón kém chất lượng, họ báo cho ngành Nông nghiệp; ngành Nông nghiệp lại thông báo cho ngành Công Thương để kiểm tra, xử lý theo đúng thẩm quyền.
Nhìn chung, việc giao trách nhiệm quản lý phân bón cho 2 bộ, ngành không chỉ làm DN bị rối trong việc hoàn tất các thủ tục để sản phẩm được chứng nhận hợp quy mà cả nhà quản lý cũng rất vất vả trong công tác kiểm tra hoạt động SXKD phân bón, nên hiệu quả không như mong muốn.
Thanh tra Sở NN&PTNT kiểm tra một cửa hàng kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Phù Cát.
* Ngay sau khi được ban hành, Nghị định số 108/2017 của Chính phủ đã nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là đối với các DN SXKD phân bón và người sử dụng sản phẩm nói trên. Vậy Nghị định 108 có những điểm gì mới?
- Nghị định 108/2017 thay thế Nghị định 202/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón và bãi bỏ nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 202 trước đây của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT. Có rất nhiều điểm mới được quy định tại nghị định này, trong đó đối với công tác QLNN, Chính phủ giao về một đầu mối là ngành NN&PTNT quản lý toàn diện hoạt động SXKD, sử dụng phân bón.
Công tác khảo nghiệm sản phẩm phân bón cũng có nhiều đổi mới. Trước đây, phần việc nói trên do DN và cá nhân tự làm rồi mang báo cáo đến các tổ chức công nhận hợp quy, đưa ra thị trường, nên đã xảy ra tình trạng gian dối trong báo cáo khảo nghiệm. Nay Chính phủ quy định tất cả các sản phẩm phân bón trước khi lưu hành đều phải khảo nghiệm (ngoại trừ phân hữu cơ và các công trình khoa học từ cấp sở trở lên được công nhận tiến bộ kỹ thuật thì không phải khảo nghiệm) ở những tổ chức có đủ điều kiện.
Về điều kiện SXKD phân bón, Nghị định 108 quy định rõ về lĩnh vực chuyên môn được phép sản xuất phân bón. Thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất được quy định 5 năm thay vì không có thời hạn như trước đây. Các đại lý kinh doanh phân bón phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện.
* Còn việc triển khai thực hiện Nghị định 108/2017 tại Bình Định, thưa ông?
- Sở NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định 108 cho các đơn vị chức năng tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, yêu cầu các đơn vị tham mưu chính quyền địa phương các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác QLNN về phân bón. Sở sẽ rà soát, thống kê các cơ sở SXKD phân bón, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân SXKD phân bón trên địa bàn tỉnh.
Trước mùa vụ sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động SXKD phân bón trên địa bàn, thường xuyên lấy mẫu phân bón để kiểm tra chất lượng; kiên quyết đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trong SXKD phân bón.
Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành chức năng các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón theo phương pháp 4 đúng (đúng lúc, đúng loại, đúng liều lượng, đúng cách), nâng cao cảnh giác với các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Khuyến cáo nông dân không mua các loại phân bón không có nhãn mác, không ghi cụ thể nơi sản xuất, hàm lượng dinh dưỡng trên bao bì. Khi nghi ngờ hoặc phát hiện các đối tượng bán phân bón không có nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, cần thông tin cho cơ quan chức năng nơi gần nhất hoặc Sở NN&PTNT để kịp thời kiểm tra, xử lý.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)