TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Đáp ứng yêu cầu bảo vệ tuyệt đối an toàn bí mật nhà nước, đồng thời phải bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân mà Hiến Pháp năm 2013 đã quy định; là một nội dung quan trọng được ĐBQH Huỳnh Cao Nhất (đơn vị Bình Định) đề cập trong phiên thảo luận góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước sáng 22.11.
ĐBQH Huỳnh Cao Nhất
Về khái niệm Bí mật Nhà nước
Theo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước từ 2001 đến 2016, một trong những nguyên nhân tồn tại đó là thuật ngữ về khái niệm bí mật nhà nước còn chung chung, liệt kê, thiếu định tính như “có nội dung quan trọng”, “gây nguy hại” dẫn đến cách hiểu khác nhau, áp dụng không thống nhất. Tuy nhiên, dự thảo Luật lần này lại tiếp tục sử dụng những thuật ngữ như trên trong phần khái niệm bí mật nhà nước. Như vậy, Luật sẽ không đảm bảo được quan điểm của Chính phủ và sự cần thiết ban hành Luật là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh bí mật nhà nước. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sử dụng thuật ngữ có tính định tính, rõ ràng hơn, hoặc phải quy định rõ tiêu chí xác định mức độ nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc để làm căn cứ xây dựng danh mục bảo vệ bí mật nhà nước nhằm đảm bảo chặt chẽ, chính xác và thống nhất.
Về phân loại bí mật nhà nước và phạm vi bí mật nhà nước
Dự thảo luật phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật là phù hợp. Tuy nhiên, về phạm vi bí mật nhà nước được quy định trong dự thảo luật còn chung chung không xác định được các lĩnh vực, các loại thông tin được xác định là bí mật nhà nước, dễ dẫn tới lạm dụng ban hành danh mục bí mật nhà nước ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định tại khoản 3, Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin. Cụm từ “cần giữ bí mật” được sử dụng tại Điều 9 quy định phạm vi bí mật nhà nước không rõ nội hàm dễ làm cho việc xác định bí mật nhà nước có thể sẽ bị mở rộng, từ đó lợi dụng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước để từ chối việc cung cấp thông tin, từ chối cho công dân tiếp cận thông tin; thậm chí trong nhiều trường hợp lợi dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó dự thảo ghi nhận: Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia dân tộc - tức là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu: tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai, hoặc công khai những nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai theo quy định của pháp luật, nhất là kết luận thanh tra, công tác tổ chức cán bộ, công tác quy hoạch, lập dự án theo quy định của pháp luật ... còn diễn ra khá phổ biến. Đồng thời Báo cáo cũng khẳng định: qua kiểm tra giám sát của Quốc hội, Ban Chỉ đạo trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, cũng như kết quả nghiên cứu quốc tế về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, thì: công khai minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp để phòng ngừa tham nhũng.
Từ những nội dung nêu trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể hơn về phạm vi bí mật nhà nước để luật có tính khả thi cao và đảm bảo yêu cầu đặt ra là: đáp ứng đồng thời yêu cầu bảo vệ tuyệt đối an toàn bí mật nhà nước, nhưng cũng phải đảm bảo quyền tự do, dân chủ, quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền tiếp cận thông tin mà Hiến Pháp năm 2013 đã quy định; đặc biệt góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình tham nhũng đang là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận hiện nay.
Về tiêu hủy bí mật nhà nước
Khoản 1, Điều 23 của Dự thảo luật quy định việc tiêu hủy bí mật nhà nước trong trường hợp “a) Khi không cần thiết phải lưu giữ và việc tiêu hủy không gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; b) Nếu không tiêu hủy ngay sẽ gây nguy hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc”. Quy định như Dự thảo luật là quá đơn giản và dễ dãi. Điều này có thể dẫn đến sự thật khách quan của lịch sử sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi và như vậy sẽ làm cho lịch sử có thể bị bóp méo, cắt xén một cách thiếu trung thực. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu thiết kế lại khoản 1 Điều 23 để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng hơn; việc tiêu hủy bí mật nhà nước cần có tiêu chí cụ thể để làm căn cứ quyết định việc tiêu hủy, tránh việc tiêu hủy tùy tiện.
Khoản 2, Điều 23 quy định: việc tiêu hủy bí mật nhà nước phải đáp ứng được các yêu cầu: a)Không để lộ, mất bí mật nhà nước, b) Quá trình tiêu hủy phải tác động vào vật chứa đựng bí mật nhà nước làm thay đổi hình dạng, tính năng tác dụng; c) Bí mật nhà nước sau khi tiêu hủy không thể phục hồi. Quy định Bí mật nhà nước sau khi tiêu hủy không thể phục hồi là khó đảm bảo tính khả thi. Vì bí mật không chỉ nằm trong các vật chứa đựng nó, mà nó còn tồn tại trong đối tượng là con người làm ra bí mật, hoặc biết được bí mật. Có nghĩa là trong nhiều trường hợp bí mật song song tồn tại ở cả trong vật chứa đựng nó và cả người làm ra nó hoặc biết về nó. Nếu chúng ta tiêu hủy thì những vật chứa đựng bí mật không phục hồi được, nhưng đương nhiên bí mật đó vẫn có thể phục hồi được khi những người làm ra nó nói ra hoặc viết ra… Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn nội dung điểm c khoản 2 của điều 23 để đảm bảo tính khả thi hơn.
Sỹ Nguyên (ghi)