Việt Nam tham dự hội thảo quốc tế về chủ nghĩa xã hội tại Lào
Sáng 22.11 tại thủ đô Vientiane, Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào đã tổ chức Hội thảo quốc tế về chủ nghĩa xã hội lần thứ 5 với chủ đề “Vận dụng Học thuyết Marx-Lenin vào quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội."
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)
Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu tới từ Việt Nam, Trung Quốc, Cuba và Triều Tiên.
Đoàn đại biểu Việt Nam do giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội, làm trưởng đoàn đã tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Soukkongseng Sayaleuth, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào, khẳng định chủ nghĩa xã hội là thành tựu to lớn của chủ nghĩa Marx-Lenin.
Giáo sư-tiến sỹ Soukkongseng Sayaleuth nhấn mạnh năm nay là năm kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, kỷ niệm ngày nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới ra đời.
Trải qua nhiều thách thức, mặc dù Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã sụp đổ, những nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã dũng cảm nhìn thẳng vào những sai sót dẫn đến sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa tiên phong, rút ra kinh nghiệm cho chính mình, kiên định với lý tưởng và mục tiêu xã hội chủ nghĩa, vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển và ngày càng trở nên vững mạnh.
Những thành tựu to lớn của công cuộc cải cách và mở cửa trong xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Trung Quốc, của công cuộc đổi mới của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã chứng minh điều đó...
Điều này cho thấy chế độ chủ nghĩa xã hội vẫn còn tiếp tục phát triển và tiếp tục là xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới; là giai đoạn quá độ từ chế độ chủ nghĩa tư bản lên chế độ chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, giáo sư-tiến sỹ Soukkongseng Sayaleuth nhận định trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp hiện nay, xuất hiện nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống. Để giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, các nước cần củng cố nội bộ cũng như khối đoàn kết.
Trong phát biểu của mình, giáo sư-tiến sỹ Phạm Văn Đức cho biết hiện thực phát triển của chủ nghĩa xã hội ở các quốc gia theo chủ nghĩa xã hội hiện nay đặt cho các nước nhiều vấn đề cần giải quyết. Cụ thể như vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính trị ổn định, vấn đề dân chủ, vấn đề đoàn kết và vấn đề đồng thuận xã hội, vấn đề kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa...
Đứng trước những vấn đề đó, học thuyết Marx-Lenin cần có sự thích ứng mạnh mẽ để một mặt đảm bảo được tính chất lý luận dẫn đường, mặt khác đảm bảo được tính khoa học và đại chúng trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới hiện nay.
Sự thích ứng đó phải được thể hiện trong tiến trình kiên trì thực hiện đường lối phát triển theo chủ nghĩa Marx-Lenin ở mỗi quốc gia song song với việc tăng cường công tác nghiên cứu và phát triển lý luận Marx-Lenin theo hướng bổ sung, phát triển những khái niệm, quan điểm, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx-Lenin để vận dụng một cách linh hoạt vào điều kiện phát triển của từng quốc gia qua từng giai đoạn.
Giáo sư-tiến sỹ Phạm Văn Đức cho rằng làm được như vậy, chủ nghĩa Marx-Lenin mới thực sự giữ được vai trò lý luận tiên phong, mới có những đóng góp to lớn trong tiến trình điều hành sự phát triển trong mỗi quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện nay...
Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu sẽ cùng dự 4 phiên họp về vai trò của chủ nghĩa Marx-Lenin trong xây dựng và ổn định nhà nước dân chủ nhân dân; vai trò lãnh đạo của chủ nghĩa Marx-Lenin đối với phát triển hệ thống chính trị và tập hợp đoàn kết; thực trạng của việc sử dụng giá trị văn hóa-xã hội và phát triển nguồn nhân lực trong phát triển mỗi quốc gia hiện nay; lý luận Marx-Lenin trong phát triển kinh tế định hướng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.
Các đại biểu cùng nhau trao đổi và chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn trong việc vận dụng học thuyết Marx-Lenin trong tình hình mới và lắng nghe 19 tham luận do các đoàn Việt Nam, Trung Quốc và Lào trình bày.
Theo TTXVN