Ðảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18.11.2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018. Ðây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; thể chế hóa các quan điểm của Ðảng và Hiến pháp 2013 nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) có 9 chương, 68 điều. Bên cạnh kế thừa các quy định của Pháp lệnh TNTG và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 18.12.2012, Luật TNTG đã bổ sung các quy định mới nhằm đảm bảo quyền tự do TNTG của mọi người ngày càng tốt hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng tặng Bằng khen cho các chức sắc Phật giáo tại Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VI (nhiệm kỳ 2017 - 2022) diễn ra ngày 15.9.2017.
Bảo hộ quyền tự do TNTG
Thể hiện rõ nhất mục tiêu đảm bảo quyền tự do TNTG của Luật TNTG là đã mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do TNTG từ “công dân” thành “mọi người”, thể hiện đúng bản chất quyền tự do TNTG là quyền con người theo tinh thần Hiến pháp 2013. Theo ông Hồ Quang Thơm - Trưởng ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), điều này có nghĩa không chỉ công dân Việt Nam mà người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam cũng có đầy đủ các quyền tự do về TNTG trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), trên địa bàn tỉnh có 8 tôn giáo được Nhà nước công nhận và đang hoạt động, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Minh Sư đạo, Phật giáo Hòa Hảo, Baha’i, Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Toàn tỉnh có 510 cơ sở tôn giáo; hơn 2.300 chức sắc, nhà tu hành; hơn 160 ngàn tín đồ.
Bên cạnh đó, ông Thơm cho rằng, điểm nhấn quan trọng của Luật TNTG là có hẳn 1 chương về quyền tự do TNTG để phản ánh rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật, cũng như thể hiện một cách cơ bản nhất chính sách của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do TNTG của mọi người. Trước đó, trong Pháp lệnh TNTG, nội dung này chỉ được cơ cấu chung trong chương Những quy định chung.
Thêm vào đó, Luật TNTG cũng quy định cụ thể mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin TNTG; thực hành lễ nghi TNTG; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Đối với người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin TNTG. Rõ ràng, tự do TNTG là quyền của tất cả mọi người và không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.
Nhiều quy định “mở”
Bên cạnh đảm bảo quyền tự do TNTG, Luật TNTG đã giảm các quy định “xin, cho”, bổ sung các quy định thông báo, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động. Các nội dung thông báo gồm: người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc; thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành; cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc; hội nghị thường niên... Các lễ hội tín ngưỡng lần đầu, lễ hội tín ngưỡng được khôi phục hoặc lễ hội tín ngưỡng định kỳ nhưng có thay đổi chỉ phải đăng ký, thay vì phải xin phép như trước đây. Theo đánh giá của nhiều cán bộ làm công tác tôn giáo, đây là quy định phù hợp với thực tiễn, nhằm hạn chế sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các cơ quan quản lý nhà nước cũng “gánh” không ít áp lực, khi Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành, UBND, cơ quan quản lý nhà nước về TNTG các cấp trong hoạt động TNTG. Cụ thể, số đầu công việc của UBND tỉnh là 14, Ban Tôn giáo tỉnh là 9, UBND cấp huyện là 4, UBND cấp xã là 2. “Phân cấp mạnh cùng với rút ngắn thời hạn công nhận tổ chức tôn giáo (từ 23 năm còn 5 năm) và quy định công khai thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực TNTG làm gia tăng áp lực lên cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu”, ông Hồ Quang Thơm chia sẻ.
Đáng chú ý, Luật TNTG cũng quy định cụ thể trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào có TNTG và không có TNTG trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Đàng, đặc thù của Bình Định là không có khu dân cư riêng biệt của các tín đồ, khối đoàn kết lương - giáo được đảm bảo trong nhiều năm qua. “Luật TNTG đi vào thực tế sẽ tạo điều kiện để phát huy hơn nữa khối đoàn kết này để góp phần ổn định đời sống xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bà Đàng nhận định.
NGUYỄN VĂN TRANG