Livestream phim chiếu rạp và câu chuyện văn hóa xem phim
Bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” bị quay lén và livestream trên mạng xã hội là một thực tế đáng báo động về văn hóa xem phim của giới trẻ hiện nay.
Chuyện bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” bị một thanh niên quay lén và phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội khiến dư luận lo ngại không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho nhà sản xuất phim mà còn ảnh hưởng xấu đến ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam bởi nạn xâm phạm bản quyền. Điều đáng nói là những hành vi này đa phần xuất phát từ những bạn trẻ. Qua câu chuyện này cho thấy một thực tế đáng báo động về văn hóa xem phim của giới trẻ hiện nay.
Giống như phim “Vòng eo 56”, “Tấm Cám chuyện chưa kể”, “Em chưa 18”… “Cô Ba Sài Gòn” đã bị xâm hại bản quyền nghiêm trọng, khi phim được đăng gần như cùng lúc trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn người theo dõi.
Theo báo cáo của ngành chức năng, có đến 40% số phim chiếu rạp bị phát tán ngay khi công chiếu. Phần lớn hành vi xâm phạm bản quyền phim được thực hiện bằng máy quay cầm tay hoặc điện thoại thông minh quay trộm từ màn chiếu trong rạp rồi tải lên YouTube hay các trang web, diễn đàn phim…. Điều đáng nói, người vi phạm đa phần là giới trẻ và nhiều người hoàn toàn không nhận thức được việc làm của mình là sai trái.
"Em vẫn thường tận dụng thời cơ chụp hay quay một clip ngắn cho bạn bè biết mình đang đi xem phim" - một khán giả trẻ cho biết.
"Thật ra em chỉ thấy là chương trình nào hay thì chia sẻ cho bạn bè xem cùng thôi chứ không nghĩ nhiều lắm đến chuyện bản quyền".
“Không biết”, “không hiểu”… là câu trả lời của đại đa số giới trẻ khi được hỏi “có biết livestream, quay lén và phát tán phim trong rạp là vi phạm bản quyền?”. Với họ, livestream phim lên Facbook chỉ đơn giản là câu like (thích), muốn chia sẻ với bạn bè mà không hiểu rằng mình đang phạm Luật sở hữu trí tuệ.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã phải dùng đến từ “đạo đức” để nói về thực trạng này vì bộ phim là tài sản mà người ta khai thác giá trị bằng cách nghe nhìn. Khán giả vào rạp xem phim và livestream cho hàng nghìn người khác trên mạng cùng xem thì không chỉ là vi phạm bản quyền mà còn là một vấn đề về văn hóa và đạo đức.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ: "Tôi rất buồn. Tôi nhớ lại sự việc phim “Chờ em đến ngày mai” của tôi, khi mới giới thiệu traler thì có một kênh họ chia sẻ lại và tôi đọc những comment bên dưới. Có một bạn hỏi bao giờ phim này có trên Youtube vậy, thì ngay lập tức bạn admin (quản trị viên) của kênh đó trả lời là :khi nào có bạn nhớ vào kênh mình sẽ quay lại gửi bạn xem ngay". Nghĩa là các bạn ấy rất vô tư thoải mái chia sẻ tài sản của người khác".
Nhiều bạn trẻ cho rằng việc quay lén hay livestream phim chiếu rạp chỉ đơn giản là cho vui, không ảnh hưởng đến ai mà không hiểu rằng hành vi này không chỉ khiến nhà sản xuất thiệt hại doanh thu, mà còn phá hoại giá trị thật sự của phim. Bởi âm thanh và hình ảnh thu lại thường bị giảm rất nhiều chất lượng. Khán giả xem những bản này sẽ không cảm nhận được trọn vẹn công sức sáng tạo nghệ thuật của đoàn làm phim, vô tình có cái nhìn chưa đúng về chất lượng phim Việt.
Chị Lê Thị Thúy Hằng, quản lý rạp chiếu phim BHD, Phạm Ngọc Thạch phân tích: "Việc livestream bộ phim trên Facebook ảnh hưởng rất lớn. Trước tiên là ảnh hưởng đến bản quyền phim, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà sản xuất phim, ảnh hưởng đến nhà phát hành bộ phim đấy và cũng ảnh hưởng đến đơn vị rạp công chiếu bộ phim ngày hôm đó. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến phần trải nghiệm của khách hàng có dự định, kế hoạch đi xem bộ phim đấy".
Như vậy, vô hình trung những việc làm “mua vui”, “câu like” của một bộ phận giới trẻ đang khiến hình ảnh ngành điện ảnh nước nhà xấu đi. Nhìn xa hơn, ngày càng ít những bộ phim bom tấn thế giới lựa chọn Việt Nam làm nơi công chiếu đầu tiên bởi lo ngại bị xâm phạm bản quyền. Điển hình như bộ phim “Kong: Skull Island” – với 70% bối cảnh tại Việt Nam - cũng bị nhiều người phát trực tiếp chỉ sau vài ngày công chiếu.
Đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ sau đó phải gửi kiến nghị đến Bộ Thông tin & Truyền thông yêu cầu xử lý việc phát tán phim lậu ở Việt Nam. Vấn đề không còn là “tai nạn” nữa mà là một câu chuyện về ý thức của khán giả xem phim hiện nay.
Bà Ngô Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp Hội phát hành phim VN chia sẻ: "Một bộ phim mười mấy, hai chục tỷ bị ăn trộm một cách ngang nhiên và chia sẻ cho tất cả mọi người thì công nghiệp điện ảnh không thể phát triển được nếu như những tài sản trí tuệ không được tôn trọng. Tài sản trí tuệ của người Việt Nam được tôn trọng thì công nghiệp trí tuệ mới phát triển được. Quan trọng hơn nữa nó tạo thói quen cho mọi người là tôi không cần phải ra rạp tôi hoàn toàn có thể xem một bản lậu trên mạng và đấy là điều rất xấu cho ngành công nghiệp sáng tạo".
Năm 2013 khi bộ phim đình đám “Fast And Furious 6” công chiếu tại Anh bị một người xem phim quay lén đăng tải trên mạng và đã có khoảng 800.000 người “được” xem miễn phí. Với hành động này, anh ta đã phải trả giá bằng 33 tháng tù giam.
Tại Nhật từ năm 2007 đã có một đạo luật chống quay lén phim tại các rạp với mục đích là bảo vệ nền công nghiệp điện ảnh. Tại Việt Nam các cụm rạp hiện cũng đã được trang bị camera kín và phát hiện ra nhiều vụ quay lén của người xem. Do đó, hãy từ bỏ ý định quay lén hay livestream phim trong rạp nếu không muốn vướng vào những rắc rối pháp lý./.
Theo Ngọc Ngà (VOV)