Nên ban hành Nghị quyết thí điểm thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Xây dựng một số Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị là điều cần thiết. Tuy nhiên, Quốc hội nên ban hành Luật hay Nghị quyết thực hiện thí điểm là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi trong phiên họp chiều 23.11 khi góp ý Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng nên ban hành Nghị quyết thí điểm việc thành lập các Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật có nêu "Việc tổ chức HĐND tại chính quyền địa phương đã được khẳng định trên cơ sở kết quả tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và đã được Quốc hội khóa XIII cân nhắc khi ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương". Gần 1/3 ĐBQH khóa XIV cũng là những ĐBQH khóa XIII đã bấm nút thông qua Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Sớm nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách để xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là điều cần thiết, nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, vùng, cả nước như Kết luận số 21 của Bộ Chính trị.
Kết luận số 21 có nêu: Đề án xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đề án lớn, có nhiều vấn đề mới và khó, nhưng đã được trình bày cụ thể, rõ ràng, Bộ Chính trị đánh giá cao việc chuẩn bị đề án. Đây là chủ trương lớn của Đảng đã được thông qua nhiều kỳ Đại hội, do vậy cần quyết tâm triển khai thực hiện, làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Để làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hạn chế việc Quốc hội sau khi ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, sẽ thường xuyên điều chỉnh Luật; bởi trong quá trình phát triển, sẽ không tránh khỏi việc 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần phải điều chỉnh cơ chế, chính sách để phát triển tốt hơn, hoàn thiện hơn mô hình hành chính - kinh tế đặc biệt của mình.
Để thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Kết luận số 21 của Bộ Chính trị, phù hợp với nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Do đó, đề nghị Quốc hội cho xây dựng 3 nghị quyết đối với 3 Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng Đơn vị. Việc ban hành 3 Nghị quyết đối với 3 Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là điều kiện thuận lợi để chúng ta áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của từng địa phương, trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách, nếu cần sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đã ban hành thì việc sửa đổi, bổ sung sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế, chính sách của các Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt còn lại. Việc ban hành 3 nghị quyết riêng biệt cũng là điều kiện thuận lợi để chúng ta áp dụng cả 3 mô hình Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào thực tế.
Mô hình thứ nhất là mô hình theo phương án 1 Chính phủ trình: Chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là thiết chế Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính.
Mô hình thứ hai là mô hình theo phương án 2 Chính phủ trình: Tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Mô hình thứ ba là theo Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Tuy là 3 mô hình khác nhau, nhưng thẩm quyền của Trưởng Khu hành chính hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đều do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiễm, điều động, cách chức theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Khu hành chính hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng được Thủ tướng phân cấp, phân quyền mạnh có liên quan đến 4 cấp. Tùy điều kiện của mỗi Đơn vị mà chúng ta áp dụng từng mô hình với các cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo thuận lợi nhất để các Đơn vị phát triển vượt trội.
Trong thời gian triển khai, chúng ta cũng sẽ song song chuẩn bị việc điều chỉnh các luật khác để đảm bảo sau khi tổng kết các mô hình Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong thực tiễn, Quốc hội sẽ ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có tính hiệu quả, hiệu lực cao nhất, tạo sự thống nhất trong cả hệ thống pháp luật theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, đề xuất của Chính phủ.
Về tiêu chuẩn của Trưởng khu hành chính hay Chủ tịch UBND đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Là người đứng đầu của chính quyền luôn phải tiếp xúc, làm việc với các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài, thường xuyên giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các nước có mô hình tương tự để nhanh chóng áp dụng hiệu quả vào điều kiện của Việt Nam, ngoài các tiêu chuẩn đã được Đảng, Nhà nước quy định đối với những người có chức vụ tương đương, nếu chúng ta không xem xét đến trình độ ngoại ngữ và tin học đối với Trưởng khu hành chính hay Chủ tịch UBND đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì nhiệm vụ lãnh đạo chính quyền, để tạo sự phát triển vượt bậc của các Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì vậy, đề nghị tiêu chuẩn ngoại ngữ và tin học đối với Trưởng khu hành chính hay Chủ tịch UBND đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần được quan tâm khi bổ nhiệm.
Sỹ Nguyên (Ghi)