Ðẩy mạnh số hóa lưới điện
Tự động hóa lưới điện phân phối nhằm vận hành tối ưu hệ thống và tăng độ tin cậy cung cấp điện là xu thế tất yếu. Ðề án phát triển lưới điện thông minh Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo lộ trình phải hoàn thành trước năm 2022. Tại Bình Ðịnh, công tác tự động hóa lưới điện đã đạt kết quả khả quan.
Vận hành trung tâm điều khiển nhóm trạm biến áp 110 kV tỉnh Bình Định.
Cấp điện ổn định
Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định) đang quản lý 13 trạm biến áp (TBA) và trên 2.600 km đường dây điện trung áp phân phối. Ông Phạm Hữu Đức, cán bộ Phòng Điều độ - PC Bình Định, cho biết, trước đây, khi lưới điện bị sự cố, nhân viên kỹ thuật phải dò tìm thủ công hoặc thông qua khách hàng phản ánh, công việc vất vả, mất nhiều thời gian. Từ khi PC Bình Định tiếp nhận hệ thống SCADA/DMS vào năm 2010 đến nay, điều độ viên tại trung tâm điều khiển có thể giám sát toàn bộ hệ thống nên kịp thời cập nhật thông tin để phân tích, phát hiện sự cố trong vòng 3 phút. Thời gian xử lý sự cố rút ngắn, khách hàng sớm được cấp điện trở lại; lưới điện đảm bảo vận hành an toàn, liên tục.
Việc tự động hóa tạo điều kiện thu thập dữ liệu, giám sát trạng thái, điều khiển đóng cắt điện nhanh chóng, tin cậy. Đặc biệt trong trường hợp bão lũ, thiết bị gặp sự cố được nhanh chóng cô lập khỏi hệ thống; thiết bị còn lại được kiểm tra, giám sát chặt chẽ để không bị quá tải. Nhân viên trực chỉ cần thao tác trên SCADA mà không cần trực tiếp ra hiện trường. Lực lượng xử lý sự cố nghiêm trọng giảm từ 10 người xuống còn 5 người.
Nhờ nắm được tình hình điện áp, dòng điện, công suất... của lưới điện, điều độ viên điều chỉnh nguồn điện ổn định, hợp lý, ngăn ngừa tình trạng vượt ngưỡng và giảm tổn thất điện năng. Việc kết nối hệ thống SCADA/DMS với các nhà máy thủy điện giúp theo dõi thông số nhà máy thuận lợi, phục vụ tốt công tác chỉ huy vận hành hệ thống điện cũng như tính toán cân đối phụ tải và huy động công suất…
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ
Đến nay, hệ thống SCADA/DMS kết nối 13 TBA, 16 ngăn xuất tuyến trung áp, hơn 100 điểm đóng cắt tự động và 4 nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh. Các TBA hiện hữu tiếp tục được cải tạo, vận hành theo cơ chế không người trực. Hiện nay có 8 TBA 110kV hoạt động không người trực, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai tiếp 4 TBA còn lại. Như vậy, toàn bộ 12/12 TBA 110kV hiện có sẽ không còn nhân viên trực vận hành; điều này đồng nghĩa với việc về đích sớm hơn lộ trình 4 năm.
Ngoài tự động hóa, PC Bình Định cũng tăng cường lắp đặt hệ thống thu thập chỉ số công tơ từ xa hoàn toàn tự động. Đến cuối tháng 9 đạt tỉ lệ 60,3%, tương ứng với 255 ngàn khách hàng được lắp công tơ điện tử.
Công ty cũng áp dụng vệ sinh sứ cách điện bằng nước áp lực cao trên lưới đang mang điện (hotline). Hiện PC Bình Định đã trang bị 1 bộ thiết bị vệ sinh hotline và dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ trang bị thêm 3 bộ nữa. Công tác sửa chữa điện “nóng”, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, chăm sóc khách hàng tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả dịch vụ khách hàng.
Thực tế chứng minh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và vận hành lưới điện sẽ tạo đà triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả các hoạt động khác; từ đó, góp phần giúp công ty phát triển nhanh và bền vững. “Riêng việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tăng cường hệ thống giám sát, điều khiển tự động hệ thống điện có ý nghĩa quan trọng đối với công tác hiện đại hóa ngành Điện. Bởi, nó góp phần nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, quản lý tốt nhu cầu về điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đóng góp cho phát triển KT-XH của tỉnh” - ông Huỳnh Ngọc Việt, Giám đốc PC Bình Định, nhấn mạnh.
TỐ UYÊN