Chuyển biến mới trong đánh giá đảng viên theo Quy định 76
Năm 2017, hoạt động đánh giá đảng viên đương chức của cấp ủy nơi cư trú có thay đổi đáng kể về quy trình lẫn nội dung thực hiện. Những thay đổi đó được đánh giá là cần thiết, mang lại tác động tích cực đối với nhiều phía.
Cán bộ Đảng ủy phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) đóng dấu xác nhận vào phiếu xin ý kiến.
Từ năm 2000, Trung ương Đảng đã ban hành Quy định 76-QĐ/TW “Về việc đảng viên đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú” (QĐ 76). Theo quy định, cuối năm, ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy nơi cư trú là một trong những cơ sở để đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên tại nơi công tác.
Những năm trước, “đến hẹn lại lên”, từ khoảng đầu tháng 11, cấp ủy đảng các cơ quan lại phát phiếu để đảng viên tự mang về cấp ủy nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét. Các nội dung nhận xét chung chung, về các nội dung: Việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của đảng viên và gia đình nơi cư trú; về phẩm chất đạo đức, lối sống; mối quan hệ với nhân dân nơi cư trú.
Chú trọng định lượng
Ngày 1.9.2017, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn cụ thể việc xin ý kiến nhận xét chi ủy nơi cư trú theo QĐ 76. Theo đó, mẫu phiếu xin ý kiến năm 2017 có 2 phần: Phần cấp ủy cơ sở nơi đảng viên đang công tác viết gửi cho cấp ủy nơi cư trú; phần nhận xét của chi ủy nơi cư trú. Phần nhận xét có 3 nội dung, thực hiện bằng cách đánh dấu (x) vào ô tương ứng và viết nhận xét khác (nếu có). Nội dung 1 (Bản thân và gia đình chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú) và 2 (Về phẩm chất, đạo đức, lối sống và quan hệ với nhân dân nơi cư trú) có 3 mức nhận xét là tốt, trung bình, chưa tốt. Nội dung 3 (Tham gia các cuộc họp do xã, phường, thị trấn hoặc chi ủy nơi cư trú tổ chức; góp ý kiến với chi ủy, đảng ủy nơi cư trú về công việc của địa phương) có 3 mức: tham gia đầy đủ, tham gia chưa đầy đủ, không tham gia.
Bí thư Chi bộ KV 6 (phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) Nguyễn Cảnh Huệ cho biết, vừa rồi có tiếp nhận phiếu lấy ý kiến của một đảng viên đương chức, qua rà soát thì phát hiện lần sinh hoạt tại nơi cư trú gần nhất của người này cách nay đã… 3 năm. “Trước khi đặt bút đánh dấu vào một phiếu xin ý kiến, tôi phải kiểm tra rất kỹ phần ghi chép, theo dõi. Có trường hợp phải cân nhắc rất lâu. Ðể khách quan, tránh tình trạng so bì thì không thể đánh giá tốt khi đảng viên vắng mặt cả 2 kỳ sinh hoạt trong năm mà không có lý do chính đáng”, ông Huệ chia sẻ.
Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Lê Bình Thanh, mẫu phiếu mới này rõ ràng có bước thay đổi đáng kể theo hướng “định lượng”, giúp việc nhận xét, đánh giá thêm phần cụ thể, sâu sát. “Cùng với đó, cấp ủy nơi cư trú sẽ tránh được tình trạng “nể nang”, “sợ mất lòng” khi nhận xét, đánh giá”, bà Thanh nhận định.
Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy BHXH tỉnh Võ Năm cho rằng, sự chặt chẽ trong đánh giá, nhận xét đảng viên đương chức cũng đặt ra yêu cầu trách nhiệm cao hơn cho cấp ủy nơi cư trú trong theo dõi, quản lý. Ngược lại, để được đánh giá tốt, các đảng viên cũng phải tự “soi” lại mình để phát huy tinh thần tự giác, tham gia tích cực hơn vào các phong trào chung ở nơi cư trú.
Cần đảm bảo quy trình
Theo quy trình, cấp ủy cơ sở nơi đảng viên đang công tác gửi phiếu xin ý kiến bằng đường công văn; đồng thời gửi kèm 1 bì thư có dán tem để đảng ủy xã, phường, thị trấn gửi lại. Hoặc, cấp ủy đảng cơ quan cử người đến cấp ủy đảng xã, phường xin ý kiến trực tiếp vào phiếu.
5 chi bộ khu dân cư thuộc Đảng ủy phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) hiện có 682 đảng viên đương chức sinh hoạt, đông nhất là chi bộ KV 5 (293 đảng viên). Bí thư Đảng ủy phường Trần Thị Phối cho biết, những ngày qua, nhiều cấp ủy cơ quan gửi phiếu đánh giá qua đường công văn. Cán bộ của Đảng ủy phường thực hiện phân loại, gửi về các chi ủy khu vực lấy ý kiến, sau đó đến bưu điện gửi lại ngay trong cuối ngày.
“Với một lượng lớn đảng viên đương chức, vất vả thì không nói gì, nhưng phiền phức nhất là nhiều trường hợp bị thất lạc phiếu. Cách làm tốt nhất là cấp ủy cơ quan cử người mang phiếu đến, để lại số điện thoại, khi hoàn thành chúng tôi gọi báo đến nhận về, đảm bảo trao tận tay”, bà Phối nói.
Cử người của cấp ủy cơ quan tham gia quá trình lấy ý kiến của cấp ủy nơi cư trú cũng là một sự “kiểm chứng” giá trị. Một giáo viên ở TP Quy Nhơn kể lại: “Khi tôi thay mặt chi ủy đến một chi bộ của phường Trần Phú để xin ý kiến, đồng chí bí thư chi bộ khu vực trực tiếp lên văn phòng, giở sổ theo dõi, kiểm tra từng đảng viên một, sau đó mới cẩn thận đánh dấu chéo vào cột “tham gia không đầy đủ”, qua đó mới thấy tinh thần trách nhiệm của cấp ủy ở khu dân cư”.
Đáng chú ý, theo quy định, cấp ủy cơ sở nơi đảng viên đang công tác không được giao phiếu xin ý kiến cho đảng viên trực tiếp đến cấp ủy nơi cư trú xin ý kiến nhận xét về bản thân mình. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa thực hiện nghiêm. Bí thư một chi bộ khu phố ở nội thành Quy Nhơn chia sẻ, chi bộ của ông có hơn 300 đảng viên đương chức, việc nhận xét, đánh giá cuối năm khá “nặng”. Điều đáng nói là không ít người đến gặp trực tiếp, rất khó từ chối. “Chưa kể, có người còn nhờ người thân cầm phiếu đến chứ chẳng trực tiếp đến gặp để nghe góp ý về quá trình tham gia các công việc của địa phương. Khi nhận phiếu, thấy mục thứ 3 đánh dấu “tham gia chưa đầy đủ” mới tìm đến năn nỉ ỉ ôi”, vị này chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG