TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI:
Cần môi trường an toàn trên không gian mạng cho trẻ em
Thực tế hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nước ta còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu đồng bộ; công tác quản lý, vận hành chưa tốt và còn nhiều lỗ hổng, sơ hở có thể bị lợi dụng xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, an toàn thông tin trên không gian mạng. Do đó, đa số ĐBQH đều cho rằng xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận góp ý về dự án Luật nói trên vào sáng 23.11, nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật An ninh mạng.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng Dự thảo Luật cần dành một chương riêng quy định về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, để các em có một môi trường an toàn hướng đến phát triển toàn diện Đức, Trí, Thể, Mỹ.
An toàn mạng đối với trẻ em
Luật trẻ em năm 2016 quy định cấm cung cấp dịch vụ Internet có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em từ các trang web đen, trò chơi online không phù hợp với trẻ em chưa được kiểm soát chặt chẽ vẫn luôn là nỗi lo của các gia đình, nhà trường và xã hội.
Hiện tại, hầu hết việc truy cập internet trong gia đình, tại các cơ sở kinh doanh internet hay các mạng wifi tự do bên ngoài không có sự phân biệt người truy cập là người lớn hay trẻ em. Việc để trẻ em tự do tham gia mạng xã hội, trao đổi thông tin với đối tượng mà mình không biết, truy cập vào các trang web đen, games online không phù hợp với lứa tuổi của các em khi không có sự giám sát của người thân, thầy cô trên mạng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và hành động của trẻ em. Nếu không kiểm soát việc tham gia vào môi trường mạng của trẻ em thì không khác gì để con em chúng ta đi bụi đời trên không gian mạng, rồi chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ em sống không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Chúng ta xem việc vào không gian mạng như là có thêm một con đường để chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, người lớn thì đủ năng lực để quyết định đi như thế nào cho phù hợp và tự chịu trách nhiệm. Còn đối với trẻ em thì dù đi ngoài đời thực hay đi trong môi trường mạng đều cần người lớn là nhà nước, nhà trường, gia đình quan tâm, hướng dẫn và bảo vệ để các em đi những con đường phù hợp với lứa tuổi các em.
Vì vậy, đề nghị dự thảo luật có dành một chương riêng quy định về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; vì đảm bảo sự phát triển của cả một thế hệ trẻ chính là đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Để các em có một môi trường an toàn trên không gian mạng; được giáo dục, vui chơi phù hợp, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, phát triển một cổng thông tin tích hợp dành riêng cho trẻ em; cung cấp các thông tin được xây dựng, được chọn lọc, được liên kết với các nguồn trong nước và Quốc tế phục vụ học tập, vui chơi; hướng dẫn quy tắc ứng xử, giáo dục giới tính, kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi trẻ em để các em được phát triển toàn diện Đức, Trí, Thể, Mỹ.
Về tên của Luật
An ninh là việc bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, trật tự an toàn xã hội.
Theo Dự thảo luật tại Khoản 3, điều 3 giải thích từ ngữ: An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động sử dụng không gian mạng không gây phương hại đến sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Như vậy dự thảo luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đến cả quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó, đề nghị tên luật cũng được mở rộng và đổi tên luật thành Luật an ninh, an toàn mạng. An toàn ở luật này tập trung vào quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Còn an toàn thông tin mạng là sự bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin trên mạng tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo đối chiếu các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành giữa Luật này với Luật an toàn thông tin mạng để tránh trùng lắp, tiến tới hợp nhất Luật An ninh mạng với Luật An toàn thông tin mạng
Sỹ Nguyên (ghi)