Người Công giáo tích cực thi đua yêu nước
5 năm qua (2008 - 2013), phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo trong tỉnh vẫn được duy trì và có nhiều tiến bộ. Những đóng góp tích cực của các vị chức sắc và đông đảo bà con giáo dân đã góp phần cùng nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH, quốc phòng và an ninh. Ðây là đánh giá chung của Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Bình Ðịnh tại Ðại hội đại biểu những người công giáo Bình Ðịnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ V (NK 2013-2018), diễn ra ngày hôm nay, 30.8.
Theo Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, trên lĩnh vực kinh tế, đại bộ phận người Công giáo trong tỉnh sống ở địa bàn nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chính. Dù gặp phải những khó khăn như giá vật tư luôn biến động, dịch bệnh gia súc gia cầm thường xuyên xảy ra, nhưng bà con giáo dân đã cố gắng khắc phục khó khăn, tích cực đầu tư vốn, công sức, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng trong sản xuất. Nhờ vậy, các giáo xứ: Gò Thị, Nam Bình, Tân Dinh, Vườn Vông (Tuy Phước), Kim Châu, Trường Cửu (An Nhơn), Sông Cạn (Tây Sơn), Đại Bình (Hoài Nhơn), Gia Chiểu (Hoài Ân) vẫn giữ vững được năng suất lúa, có vùng đạt năng suất cao như giáo xứ Gò Thị đạt bình quân 65 tạ/ha/vụ. Nhiều hộ gia đình sản xuất giỏi trong nhiều năm liền như hộ ông Nguyễn Đình Giang (Giáo xứ Gò Thị, Tuy Phước) nhận ruộng khoán 1ha, nuôi 12 con trâu, 2 cộ bò, 2 máy cày, có thu nhập trên 80 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Đức Hòa (giáo xứ Xuân Quang, TP Quy Nhơn) đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi diện tích trên 6.000m2 nuôi gần 500 con heo, mỗi năm thu lãi trên 300 triệu đồng. Ở những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, bà con còn đẩy mạnh chăn nuôi gia súc. Như ở giáo xứ Cù Lâm (An Nhơn) gia đình giáo dân nào cũng chăn nuôi từ 5 - 12 con bò lai... Nhìn chung, đời sống của đồng bào công giáo ở nông thôn vẫn giữ được ổn định.
Bên cạnh đó, các linh mục, nữ tu và giáo dân cũng hết sức quan tâm và hưởng ứng chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân. Trong những năm qua, cộng đoàn nữ tu dòng Phan sinh thừa sai Đức mẹ (Quy Nhơn) vẫn tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình đoàn kết tương trợ giúp vốn sản xuất cho các gia đình bệnh nhân phong và bà con giáo dân giáo xứ Quy Hòa. Hiện có 23 nhóm đoàn kết tương trợ vốn thường xuyên sinh hoạt nền nếp, giúp cho 280 hộ gia đình ở KV 2, phường Ghềnh Ráng tổng số vốn lên đến 600 triệu đồng để làm ăn, buôn bán nhỏ, góp phần tăng thu nhập. 5 năm qua, các nữ tu dòng Thánh Phaolô Quy Nhơn đã tổ chức được 10 lớp dạy cắt may miễn phí cho 150 nữ thanh niên, nhờ vậy các em đã tìm được việc làm tại Quy Nhơn và TP Hồ Chí Minh.
Hưởng ứng lời mời gọi “Đặc biệt quan tâm đến người nghèo” của Hội đồng Giám mục Việt Nam và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban bác ái của Giáo phận Quy Nhơn, các linh mục, nữ tu, bà con giáo dân đã tích cực đóng góp vào quỹ Vì người nghèo của địa phương, đồng thời thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cứu trợ lũ lụt với tổng số tiền trên 3,5 tỉ đồng và 15 tấn gạo; giúp xây dựng 25 căn nhà tình thương với tổng số tiền hỗ trợ là 750 triệu đồng.
Ghi nhận những đóng góp tích cực của bà con giáo dân vào sự phát triển KT-XH nói chung của tỉnh, không thể không kể đến vai trò của Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh trong việc động viên đồng bào công giáo cùng toàn dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Linh mục Đặng Công Anh, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, cho biết: “Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh lấy 10 nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”, do Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động làm nhiệm vụ trọng tâm. Là tổ chức thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân, Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh luôn cố gắng làm tốt chức năng cầu nối giữa đạo và đời trên cơ sở tôn trọng, đối thoại, hiểu biết lẫn nhau để cùng giải quyết mọi công việc đạt kết quả tốt đẹp”.
MINH KHƯƠNG