Quân đội làm kinh tế là gia tăng sức mạnh quân đội, quốc gia
Một trong những điểm đáng chú ý khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) sáng 24.11 liên quan đến vấn đề quốc phòng kết hợp với kinh tế.
Theo Điều 16 dự thảo về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp tổ chức, xây dựng khu kinh tế - quốc phòng; tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phải kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng.
Ủng hộ quy định này, ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) - Phó chính ủy Quân khu 7, cho rằng, quân đội làm kinh tế là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội mà các doanh nghiệp khác không làm. Quân đội làm kinh tế mục đích đầu tiên là gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia. Theo đề án được Chính phủ phê duyệt, thời gian tới quân đội sẽ tái cơ cấu các doanh nghiệp.
Chia sẻ quan điểm, theo ĐB Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) - Thiếu tướng, Viện trưởng kiểm sát quân sự Trung ương, những năm gần đây, quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt, tham gia tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng, tạo điều kiện ổn định cho hàng vạn hộ dân định cư lâu dài, hình thành thế bố trí chiến lược trên địa bàn trọng yếu về quốc phòng – an ninh.
Các doanh nghiệp quốc phòng đã không ngừng đổi mới, phát triển, hội nhập nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, chấp hành nghiêm pháp luật, nhiều doanh nghiệp quân đội giữ vị trí xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, quân đội tham gia phát triển kinh tế - xã hội sẽ góp phần thực hiện được 4 mục tiêu là gia tăng sức mạnh quân đội và sức mạnh tổng hợp quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tận dụng tiềm lực tiềm năng của đất nước về mọi mặt, từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Còn theo ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) - Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ngoài những quy định mang tính nguyên tắc, chính sách quân đội làm kinh tế còn phải căn cứ vào thực tiễn, không phải lĩnh vực nào quân đội cũng làm. Ví dụ như may mặc, bệnh viện… có cần thiết phải quân đội hay không?
Theo NGỌC QUANG (SGGPO)