Ra mắt đoàn kịch tư nhân đầu tiên của miền Bắc
LucTeam là đoàn kịch tư nhân đầu tiên ở miền Bắc do NSƯT Trần Lực thành lập với đầy đủ tư cách pháp nhân, mã số thuế. Buổi công diễn vở Cơn ghen của Lọ Lem tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội vào tối 23.11 thay cho lời chào ra mắt của đoàn kịch.
Trình diễn nghệ thuật qua sân khấu ước lệ
Sau nhiều tâm huyết nghiên cứu, sáng tạo và luyện tập, với niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng và khát vọng đổi mới ngôn ngữ sân khấu kịch, đoàn kịch LucTeam đã được thành lập với những diễn viên mà tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, được NSƯT Trần Lực trực tiếp đào tạo ngay từ những năm đầu anh đi dạy diễn xuất.
LucTeam đã kết hợp nhuần nhuyễn, đầy sáng tạo các thể loại ngôn ngữ trình diễn hiện đại nhất trên thế giới để tạo nên một giọng điệu hoàn toàn mới cho ngôn ngữ kịch nói Việt Nam hiện đại - ngôn ngữ biểu hiện ước lệ.
Hiện tại, đoàn kịch của Trần Lực đã hoàn thiện ba kịch bản là “Cơn ghen của Lọ Lem” mang hình thức hài kịch, “Quẫn” mang hình thức bi kịch, và “Bà Triệu” với hình thức thể hiện bi tráng.
“Cơn ghen của Lọ Lem” là tác phẩm hiếm hoi còn giữ được kịch bản nguyên gốc từ 500 năm trước của nhà thơ, nhà hài kịch vĩ đại nhất thế kỷ 17 của nước Pháp – Molière (tên thật là Jean-Baptiste Poquelin).
Vào cuối năm 2016, LucTeam đã giành được nhiều giải thưởng danh giá khi lần đầu đưa vở “Quẫn” đi tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô. Trong đó, thành viên Trương Mạnh Đạt giành Huy chương vàng Liên hoan sân khấu Thủ đô lần 2 tháng 11.2016; Nguyễn Ngọc Trâm – Huy chương bạc Liên hoan sân khấu Thủ đô lần 2 tháng 11.2016; Nguyễn Phương My – Huy chương bạc Liên hoan sân khấu Thủ đô lần 2 tháng 11.2016.
Đạo diễn Trần Lực được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan. “Quẫn” giành Huy chương bạc cho vở diễn toàn Liên hoan. Những thành quả này là động lực to lớn giúp LucTeam tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng nên trường phái nghệ thuật của riêng mình.
Vở diễn là sự đầu tư chất xám và sự khổ luyện chăm chỉ, nghiêm túc tới nhuần nhuyễn để ăn khớp trong từng động tác hình thể của các nghệ sĩ trẻ, là sự đột phá, sáng tạo và phá vỡ mọi giới hạn.
LucTeam theo đuổi trường phái biểu diễn mang phong cách ước lệ, mở ra những bối cảnh tối giản hết mức về hình thức bài trí và đòi hỏi sự sắc bén tối đa trong biểu hiện của từng nghệ sĩ.
Sân khấu ước lệ ở thời nào cũng mang hơi thở đương đại, như hiện tại đang ở thế kỷ 21, thì khi dàn dựng bất cứ một vở diễn nào – dù là vở kịch của Molière cách đây 500 năm, hay kịch “Quẫn” của Lộng Chương từ năm 1959, cũng đều phải có cái nhìn của nghệ sĩ đang sống ở thế kỷ 21 và đó chính là tính đương đại trong các tác phẩm kịch của LucTeam.
Dựng kịch gần gũi khán giả hơn
TS. Cao Ngọc, người nhiều năm giảng dạy lịch sử sân khấu ở ĐH Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, cho biết ở miền Bắc trước kia, khi mới hình thành sân khấu kịch,cũng đã có những nhóm kịch tư nhân. Tuy nhiên những đoàn kịch này hoạt động mang tính tài tử, hợp tan tùy ý và không bền vững.
Sau này, sân khấu phía bắc cũng nhen nhóm các đoàn kịch tư nhân, hoặc có những nhóm nghệ sĩ cùng nhau diễn. NSND Trần Nhượng (Đoàn kịch Công an) cũng từng có ý định thành lập đoàn kịch tư nhân sau khi tập hợp được một số diễn viên tên tuổi. “Nhóm đã diễn thường xuyên tại rạp Kim Mã. Anh Nhượng cũng định duy trì nhưng vẫn không bán được nhiều vé. Sau đó một thời gian đành bỏ”, bà Cao Ngọc cho biết.
Hiện tại, vẫn có những chương trình, các nhóm nghệ sĩ thường cùng nhau biểu diễn như các vở kịch của Xuân Bắc-Tự Long ở Nhà hát Âu Cơ nhưng vẫn là những nhóm kịch chứ không thành đoàn tư nhân, có tư cách pháp nhân như LucTeam.
NSND Anh Tú, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, dựng các vở kinh điển là một lựa chọn chuyên môn nhưng vô cùng kén khán giả. Đây là điều nhà hát kịch của ông luôn phải cố điều hòa.
Trong khi đó, Lucteam của Trần Lực, trước khi ra mắt đã diễn “cháy vé” vở Quẫn ở địa điểm đi diễn “nhờ” là Nhà hát Tuổi Trẻ. “Tôi nghĩ quan trọng là cách làm. Chúng tôi vẫn dựng vở kinh điển, nhưng làm theo cách gần gũi khán giả ngày nay. Phải rất thị trường”, ông Lực nói.
Với kinh nghiệm 22 năm làm nghề, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu Kịch Idecaf, TPHCM chia sẻ, muốn phát triển đoàn kịch tư nhân cần dựng vở đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Tuy nhiên, giải trí phải có định hướng thẩm mỹ. Nếu đáp ứng được hai điều đó, sân khấu kịch mới thành công và có chỗ đứng trong lòng người xem.
Theo Thu Hà (Chinhphu.vn)