Những yếu tố cần thiết để đón khách du lịch quốc tế
Du lịch Bình Ðịnh năm 2017 đã thật sự khởi sắc với lượng khách tiếp tục tăng, và đang bước vào một giai đoạn mới - tăng cường thu hút du khách quốc tế. Dưới đây là ý kiến của ông Nguyễn Phạm Kiên Trung - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Miền Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Ðịnh - về một số yếu tố cần có để đón khách DL quốc tế.
* Ông nhìn nhận như thế nào về tình hình thu hút khách du lịch (DL) đến Bình Định trong năm 2017. Công ty DL Miền Trung sẽ làm gì để đón mùa DL năm 2018 với dự báo DL Quy Nhơn - Bình Định tiếp tục “thăng hoa”?
- Có thể nói, trong năm 2017, mặc dù đã được dự báo lượng khách đến Bình Định tăng cao, và nhiều đơn vị, cá nhân đã đầu tư mạnh về cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển…, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong 3 năm qua, quyết tâm cùng phát triển với DL tỉnh nhà, DL Miền Trung luôn là đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh có sự đầu tư nhiều nhất về cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm DL một cách có chiều sâu để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn. Năm 2018 dự báo khách sẽ tiếp tục tăng và sẽ có thêm nhiều thị trường khách mới, DL Miền Trung sẽ mở rộng đầu tư để đón vận hội mới này; trong đó chú trọng đầu tư nâng cao năng lực hoạt động và chất lượng phục vụ khách DL. Đầu tư thêm xe DL đời mới 45 chỗ và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, nhất là sản phẩm DL dành cho khách quốc tế đến Bình Định. Chúng tôi cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực…
* Với vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) tỉnh, ông có thể cho biết các hoạt động chủ yếu của Hiệp hội trong thời gian đến?
- Ngay sau Đại hội nhiệm kỳ II thành công, Ban chấp hành HHDL Bình Định nhiệm kỳ mới đã tập trung kiện toàn tổ chức, đề ra những kế hoạch, mục tiêu nhằm thích ứng với tình hình hoạt động DL của tỉnh đang phát triển nhanh chóng. Hiệp hội sẽ ưu tiên thực hiện một số mục tiêu: Tham gia quảng bá sản phẩm DL Bình Định tại các hội chợ DL lớn tại các thị trường trọng điểm và một số thị trường tiềm năng khác. Đẩy mạnh phát triển hội viên mới nhằm huy động sức mạnh tập thể của các đơn vị, cá nhân trong ngành DL dịch vụ, cùng chung sức xây dựng ngành DL Bình Định phát triển mạnh mẽ và bền vững. Thành lập các chi hội chuyên ngành. Chú trọng phát triển sản phẩm DL mới, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển bền vững.
Tuy khối lượng công việc là không nhỏ, nhưng với nỗ lực của các thành viên, Ban chấp hành, Thường trực HHDL và với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan hữu quan, chúng tôi hy vọng sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.
* Ngành DL tỉnh đang tăng cường thu hút khách DL quốc tế đến Bình Định, theo ông, cần phải làm gì để đáp ứng yêu cầu, thưa ông?
- Cùng với tài nguyên DL phong phú và đa dạng, cơ sở hạ tầng tương đối đạt yêu cầu và đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ, Bình Định hoàn toàn tự tin trở thành điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế. Song nó cũng đặt ra nhiều thách thức mới là làm sao để khi du khách đến Bình Định cảm thấy nơi đây có nhiều điều hấp dẫn để họ chia sẻ những trải nghiệm thú vị với bạn bè, người thân. Làm sao họ có thể chi tiêu nhiều hơn ở Bình Định. Và làm sao để họ muốn quay trở lại nhiều lần… Đây cũng chính là những trăn trở để thực hiện mục tiêu phát triển DL bền vững; để DL trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Theo chúng tôi, DL Bình Định hiện đang thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực giỏi ngoại ngữ với nhiều thứ tiếng khác nhau. Muốn phát triển thị trường khách DL quốc tế phải xây dựng đội ngũ nhân lực giỏi ngoại ngữ, nếu không chúng ta sẽ không thể phát triển bền vững mà ngược lại có thể bị mất kiểm soát và mất thị trường.
Hướng dẫn viên DL có ngoại ngữ được thuê ở các nơi về chỉ giải quyết được phần ngôn ngữ, còn về kiến thức thì do ít am hiểu nhiều về văn hóa, con người và vẻ đẹp của Bình Định nên không thể chia sẻ hết những giá trị trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo cho du khách. Đó là chưa nói đến việc không thể hỗ trợ cho khách mua sắm và chi tiêu tại Bình Định, làm giảm nguồn lợi kinh tế to lớn của địa phương.
Cần có chính sách khuyến khích đào tạo ngoại ngữ nhằm cung ứng khẩn cấp nguồn nhân lực thông thạo ngoại ngữ cho các ngành kinh tế của địa phương, đặc biệt là ngành kinh tế DL. Cũng cần có chính sách đào tạo các nghiệp vụ DL để nguồn nhân lực hoàn thành được các chứng chỉ kỹ năng nghề theo quy định của pháp luật.
Thứ hai là xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường. Ở một số điểm DL thích hợp với du khách quốc tế như những di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ…, chúng ta còn thiếu hạ tầng cơ bản như đường giao thông cho các loại phương tiện lớn, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nơi thu gom rác thải. Đặc biệt là nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn, vì đây là nhu cầu thực tế của du khách và cũng chính là tính văn minh và văn hóa của điểm đến.
Thứ ba là xây dựng sản phẩm DL phù hợp với khách quốc tế. Sở thích khám phá của mỗi đối tượng khách đều khác nhau, nên chúng ta phải có những sản phẩm DL khác nhau, phù hợp với từng đối tượng khách. Do vậy, xây dựng sản phẩm DL cho từng thị trường khách là hết sức quan trọng và cần thiết nhằm phát huy giá trị tài nguyên DL, đồng thời tạo sự hấp dẫn cho từng đối tượng du khách.
Thứ tư là cần phát triển thị trường đa dạng, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường khách nhằm hạn chế rủi ro…
* Xin cảm ơn ông!
NGUYÊN VŨ (Thực hiện)