Chưa mừng đã... lo!
Cách đây vài năm, câu chuyện nước ta đang ở trong thời kỳ có cơ cấu “dân số vàng” đã mang lại không ít sự lạc quan về một tương lai tươi sáng, đầy hứa hẹn về sự phát triển của đất nước. Tất nhiên, sự lạc quan này là hoàn toàn chính đáng và có tính thực tế khi lần đầu tiên Việt Nam có 69% dân số trong tuổi lao động và 1,5 triệu người bước vào độ tuổi lao động mỗi năm.
Có cơ cấu “dân số vàng” cũng đồng nghĩa với việc sở hữu một nguồn lực lao động to lớn để phát triển đất nước. Đặc biệt, với một quốc gia có dân số đông như nước ta, trong bối cảnh tiềm lực tài chính, tài nguyên, khoa học - công nghệ… còn hạn chế, thì giai đoạn có cơ cấu “dân số vàng” là thời cơ để tạo sự bứt phá cho sự phát triển KT-XH của đất nước. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt khi “thời kỳ dân số vàng” là cơ hội hiếm thường chỉ xuất hiện một lần và kéo dài trong khoảng 30 năm.
Thời cơ “dân số vàng” là một lợi thế nhưng để có thể làm ra “vàng” thì yêu cầu đặt ra là nguồn nhân lực phải có chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có đủ các kỹ năng cần thiết, có hàm lượng khoa học công nghệ cao… để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhân lực. Thực tế cho thấy lực lượng lao động Việt Nam còn có nhiều yếu kém, còn thấp hơn khá xa so với nhiều nước trong khu vực, cả về kiến thức lẫn kỹ năng nghề nghiệp. Theo các số liệu thống kê, hiện nay tỉ lệ lao động qua đào tạo theo các trình độ khác nhau hiện nay mới chỉ trên 31%. Thị trường lao động cũng mới chỉ đáp ứng 15-20% nhu cầu của người lao động.
Trong một khía cạnh khác, cho đến nay vấn đề chất lượng dân số ở nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức khi chỉ số phát triển con người vẫn ở mức thấp, nhất là các yếu tố cơ bản như chiều cao, cân nặng, sức bền vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó, tình trạng giảm tỉ lệ sinh con, sự mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tăng nhanh và liên tục ở mức báo động… cho thấy cơ cấu dân số, chất lượng dân số diễn biến theo chiều hướng không tích cực. Các yếu tố này chắc chắn sẽ có tác động ảnh hưởng đến việc duy trì cơ cấu “dân số vàng”. Sẽ là một sự đáng tiếc vô cùng lớn nếu chúng ta không tận dụng và duy trì được cơ hội và thời cơ vô cùng “hiếm” để đẩy nhanh sự phát triển cho đất nước.
Hiện nay, chúng ta đang đứng trước nguy cơ “chưa giàu đã già” khi thời cơ của giai đoạn “dân số vàng” đang dần trôi đi. Để làm giảm nguy cơ đó, vấn đề đặt ra là phải huy động và khai thác có hiệu quả nguồn lực lao động. Thời gian đã và đang đòi hỏi chúng ta nhanh chóng tìm giải pháp khai thác có hiệu quả nguồn lực “vàng” trong thời kỳ “dân số vàng”. Việc chậm chân tận dụng cơ hội hiếm có này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ đánh mất thời cơ “vàng” cho sự phát triển của đất nước!
H.Đ