TÍN DỤNG CHO CÁC CHUỖI GIÁ TRỊ KHÍ SINH HỌC:
Vì sao ít người tham gia?
Tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học (KSH) là một trong những hợp phần quan trọng của Dự án hỗ trợ các bon thấp (gọi tắt là DA LCASP - do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ vốn) đã và đang được Ngân hàng Hợp tác xã (Co-op Bank) Chi nhánh Bình Định cùng Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Chi nhánh Bình Định thực hiện.
Theo quy định, khách hàng là nông dân, hộ chăn nuôi, chủ trang trại và các DN được vay tối đa 100 triệu đồng với thời hạn 5 năm để xây dựng các công trình KSH dưới 50 m3 và các hạng mục xử lý môi trường đi kèm; công trình có quy mô từ 51 - 499 m3 được vay 1,7 tỉ đồng và quy mô 500 m3 được vay 3,74 tỉ đồng, trong thời hạn 10 năm. Lãi suất tối đa bằng 90% mức lãi suất chi nhánh cho vay đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp từng thời kỳ.
Số tiền được vay khá lớn, lãi suất ưu đãi, nhưng không nhiều khách hàng vay vốn từ các tổ chức tín dụng nói trên để xây dựng công trình KSH. Từ đầu năm đến nay mới chỉ có 21 hộ dân vay trên 484 triệu đồng từ Co-op Bank Bình Định và Agribank Bình Định để xây dựng công trình KSH.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Giám đốc Ban quản lý DA LCASP tỉnh nhìn nhận: Định mức vay và định chế vay vốn, trong đó quy định người vay phải có tài sản thế chấp mới được giải quyết vốn vay là rào cản lớn đối với người dân khi muốn tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng. Vì vậy, kết quả của hợp phần tín dụng cho các chuỗi giá trị KSH luôn không đảm bảo yêu cầu của DA. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các ngân hàng thương mại tham gia DA xem xét, điều chỉnh định mức vay và định chế vay vốn; mở rộng và đa dạng các hạng mục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn để xây dựng công trình KSH nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển gì mới”, ông Đào Văn Hùng cho biết.
MINH HẢI