Áp lực nợ thuế
Ðến ngày 31.10.2017, số nợ thuế toàn ngành Thuế tỉnh ở mức dưới 5% so với số thu ngân sách theo ngưỡng quy định của Tổng cục Thuế. Dù vậy, về tổng quan, áp lực nợ thuế vẫn chưa giảm.
Nợ xấu phình ra
Theo báo cáo tổng hợp ngày 22.11 của Cục Thuế tỉnh, tổng nợ thuế 10 tháng hơn 1.000 tỉ đồng, tăng 270 tỉ đồng (37%) so với cuối năm 2016. Trong khoản tăng 270 tỉ đồng nợ thuế có hai khoản tăng lớn, đó là hơn 105 tỉ đồng tiền sử dụng đất, thuê đất và 15 tỉ đồng thu khác ngân sách. “Trừ hai khoản này, số nợ tăng chỉ còn 150 tỉ đồng. Đặc biệt, nợ dưới 30 ngày là 88 tỉ đồng, nợ từ 31 đến 60 ngày là 43 tỉ đồng. Đây là nguồn thu lớn từ nay đến cuối năm ngành Thuế phải tập trung thu”, ông Nguyễn Văn Cổn - Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh) cho hay.
Ở chiều ngược lại, trong số nợ hơn 1.000 tỉ đồng, số có khả năng thu hơn 320 tỉ đồng, nợ chờ xử lý hơn 156 tỉ đồng và nợ khó thu hơn 523 tỉ đồng. Như vậy, số nợ không còn khả năng thu và chờ xử lý chiếm đến 67,9%; so với thời điểm 31.12.2016 tăng 4,8% nhóm nợ khó thu và tăng 267,42% nhóm nợ chờ xử lý. Đây là khoản nợ được ngành Thuế liệt vào các trường hợp: người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, bỏ địa chỉ kinh doanh, chờ giải thể, mất khả năng thanh toán, đã áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế.
Nguyên nhân khách quan khiến các khoản nợ không có khả năng thu hồi tăng cao là tình hình kinh tế khó khăn, DN gặp khó trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đào Hữu Phúc không phủ nhận gánh nặng nợ khó thu tồn tại nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết vì chưa có cơ sở pháp lý: “Thực tế, nhiều DN đã giải tán, nhiều trường hợp cơ quan thuế đã chuyển sang cơ quan chức năng khác để khởi tố nhưng nợ thì vẫn treo; cộng thêm tiền phạt tính hằng ngày khiến nợ không có khả năng thu hồi ngày càng phình to”.
Chưa hết bất cập
Để giảm các khoản nợ ảo này, Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) để trình Quốc hội kỳ họp đầu năm 2018; trong đó, đề xuất bổ sung một số nhóm đối tượng vào danh sách được xóa nợ thuế. Tuy nhiên, áp lực nợ thuế và những bất cập trong chính sách thuế và thực tế công tác quản lý và thu hồi nợ thuế vẫn chưa hết. Việc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cho phép sử dụng hóa đơn lẻ, đơn vị cam kết nộp ngay 18% trên giá trị của hóa đơn lẻ, nên DN có nhu cầu thì xin hóa đơn lẻ để xuất bán hàng. Tỉ lệ tính tiền chậm nộp tiền thuế từ 0,05%/ngày xuống còn 0,03%/ngày cũng phần nào làm cho người nợ thuế trì hoãn chấp hành nộp thuế nợ. Tiền thuế nợ của những đơn vị hoạt động xây dựng cơ bản mà chủ đầu tư là đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn nợ thì không phải tính tiền chậm nộp tiền thuế, dẫn đến thuế nợ ngày càng tăng.
Về cơ chế, chính sách, tình hình kinh tế khó khăn nên phần lớn tài sản của DN đều thế chấp ngân hàng. Do đó, cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền gửi tại ngân hàng, biện pháp kê biên tài sản không mang lại hiệu quả; còn biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng cũng không thu được tiền thuế nợ đối với những DN không còn hoạt động kinh doanh và không phát sinh doanh thu. Theo ông Nguyễn Văn Cổn thì: “DN vay vốn ngân hàng tạo ra thuế, nhưng ngân hàng giám sát chặt nguồn thu này nên số thuế nợ cứ thế dồn lên. Chính sách cưỡng chế nợ thuế hiện hành không phân biệt những trường hợp khó khăn này, cần thiết phải có sự chia sẻ từ phía ngân hàng. Điều đó cần phải điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô, cụ thể ở đây là khi ngân hàng cho vay tạo ra khoản thuế phải dành một phần cho DN nộp thuế phát sinh”.
Từ nay đến cuối năm 2017, ngành Thuế đặt trọng tâm vào công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, hạn chế phát sinh nợ mới để đảm bảo nợ dưới 5%. Tập trung xử lý thu hồi nợ đọng thuế, nhất là nợ đọng từ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Chủ động phối hợp các ngành Nội chính, Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước... triển khai các biện pháp cưỡng chế.
Ông Phúc khẳng định: “Chỉ ngành Thuế thôi sẽ không đủ khả năng giải quyết triệt để bài toán nợ thuế như hiện nay, mà cần giải pháp mang tính tổng lực, sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành và địa phương. Chúng tôi còn kiến nghị biện pháp mạnh là phải đưa vào Bộ luật Hình sự để xử lý những trường hợp DN cố tình bỏ trốn, không nộp thuế. Có như vậy mới đảm bảo được công bằng cho các DN chấp hành tốt nghĩa vụ thuế”.
THU HIỀN