Người cán bộ Mặt trận tận tụy
Hơn 10 năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận làng M2 (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh), ông Ðinh Nhớ để lại dấu ấn trên từng sự đổi thay trong đời sống của người dân nơi đây.
Gần gũi và nhẹ nhàng, ông Đinh Nhớ đã góp phần quan trọng trong công tác vận động, thay đổi đời sống người dân làng M2.
Làng M2 có 93 hộ với 374 nhân khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc Bana. Trước những khó khăn trong đời sống kinh tế của bà con nơi đây, ông Đinh Nhớ đã phối hợp với các hội đoàn thể ở địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do huyện, xã và các ngành chức năng tổ chức, tham gia học tập các mô hình sản xuất giỏi. Cùng với đó là vận động nông dân chuyển đổi mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi, như sử dụng giống lúa lai, bắp lai, nuôi heo hướng nạc… 60% số hộ dân đã vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đầu tư cho sản xuất. Nhiều hộ sản xuất giỏi, thu nhập bình quân trên 160 triệu đồng/hộ/năm, có điều kiện cho con em học đại học, về lại địa phương tham gia công tác trong bộ máy chính quyền.
Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tuân thủ pháp luật mà tình trạng vi phạm pháp luật ở làng M2 giảm đáng kể (năm 2014 có 5 vụ, năm 2015 giảm còn 3 vụ, năm 2016 chỉ còn 2 vụ). Làng M2 không có tình trạng tự tử tự sát, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, các hộ gia đình thực hiện đủ ba công trình vệ sinh. Ông Đinh Kinh, người dân làng M2, cho biết: “Trưởng ban Mặt trận làng luôn gương mẫu, trách nhiệm, có cách nhắc nhở nhẹ nhàng mà có lý, nên bà con nghe theo để xây dựng nếp sống mới. Chuyện làm ăn, học hành cũng có nhiều chuyển biến”.
Tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014-2017 được tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 10.2017, ông Đinh Nhớ đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Vậy nhưng, ông chia sẻ rằng, mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. “Bởi, trình độ dân trí của bà con còn thấp, kinh tế chậm phát triển, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Đáng chú ý là một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, chưa tích cực tự vươn lên”, ông trăn trở.
MAI LÂM