Kiểm tra chuyên ngành - trở ngại của doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Dù đã có cải tiến mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, DN vẫn gặp khó trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa; chủ yếu là bất cập trong thủ tục kiểm tra hàng hóa chuyên ngành trước khi thông quan.
DN bắt buộc phải lưu kho, lưu bãi và làm nhiều thủ tục quản lý xuất nhập khẩu (XNK) gây mất thời gian, tiền bạc, như kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, kiểm tra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Đây được xem là nút thắt cần tháo gỡ trong cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh.
Nhân viên Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn kiểm tra thực tế hàng hóa tại cảng Quy Nhơn.
Thủ tục nhiêu khê, kéo dài
Theo ông Nguyễn Trung Phong, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định, trong khi thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian thông quan hàng hóa thì thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 72%. Số liệu thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn cho thấy, thời gian thông quan hàng NK phải kiểm tra chuyên ngành tại đơn vị này, tính từ khi đăng ký tờ khai đến khi thông quan/giải phóng hàng hiện nay trung bình là 11 ngày 12 giờ. Trong đó, thời gian từ lúc DN xuất trình hồ sơ đến khi cơ quan hải quan giải quyết cho DN mang hàng về kho bảo quản là 1 giờ 30 phút.
Tại hội nghị đối thoại Hải quan-DN lần II năm 2017 do Cục Hải quan Bình Định tổ chức mới đây, bà Trần Thanh Thảo, đại diện Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam phản ánh vướng mắc của đơn vị này trong NK hóa chất và máy móc thiết bị năng lượng. Cụ thể, Bộ Công Thương và Bộ KH-CN yêu cầu phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với mô tơ, máy phát điện. Tại Việt Nam chỉ có 1 đơn vị duy nhất ở Hà Nội có khả năng kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu nên Công ty KCP phải vận chuyển máy móc ra Hà Nội để kiểm tra. “Máy phát thuộc diện hàng quá khổ, quá tải. Xin được giấy phép chở hàng từ cảng Quy Nhơn về tới DN rất vất vả và tốn kém. Huống chi chở ra, chở vào Hà Nội-Quy Nhơn. Điều này khiến chi phí đội lên tới 30%. Thời gian kiểm tra một chiếc mô tơ nhỏ mất 15 ngày. Nếu kiểm tra hết thiết bị của KCP có lẽ phải mất 1 năm mới xong!” - bà Thảo bức xúc.
Các DN sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của tỉnh cũng cho rằng thủ tục kiểm dịch thực vật đối với nguyên liệu gỗ tròn, gỗ xẻ nhập khẩu là không cần thiết. Bởi mặt hàng nhập khẩu này thực chất không phải là thực vật sống và tiềm ẩn nguy cơ gây dịch hại. Thực tế, cơ quan kiểm dịch chỉ kiểm tra bằng mắt chứ không đo lường bằng máy móc gì phức tạp. “Nhiều năm qua, Hiệp hội Gỗ và lâm sản đã kiến nghị bãi bỏ quy định này nhưng vẫn chưa được” - ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, cho hay.
Cần nỗ lực tháo gỡ nút thắt
Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn, tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan trong 4 năm gần đây luôn ở mức cao (31-49%). Con số này tính trên toàn quốc là 30%. Kiểm tra quá nhiều nhưng tỉ lệ hàng không phát sinh vi phạm, không phát sinh rủi ro, không đạt yêu cầu rất thấp (dưới 1%). Nghị quyết 19 đã yêu cầu giảm tỉ lệ lô hàng NK phải kiểm tra chuyên ngành trong giai đoạn thông quan từ 30-35% xuống còn 15% trong năm 2016, song đến nay mục tiêu này vẫn chưa đạt được.
Theo Cục Hải quan Bình Định, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các bộ ngành thực hiện quyết liệt biện pháp giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK trước khi thông quan; phải thực hiện theo hướng cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan.
Ngoài ra, cần áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và quản lý nhà nước thông qua hệ thống thông tin tích hợp. Quyết định thông quan, giải phóng hàng sẽ dựa trên cơ sở kết quả kiểm tra trên hệ thống thông tin này.
Tổng cục Hải quan đã đưa ra một số biện pháp cụ thể, đổi mới căn bản phương thức quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa bộ ngành, tổ chức, đơn vị liên quan. Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động quản lý chuyên ngành…
Riêng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn đã chủ động triển khai áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, nộp thuế điện tử 24/7 nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan, trong đó có thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu.
TỐ UYÊN