Thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp: Vẫn chưa hết khó
Mục tiêu của tỉnh đề ra sau khi quy hoạch các cụm công nghiệp là phải nhanh chóng đầu tư hạ tầng, thu hút và lấp đầy dự án. Nhưng thực tế cho thấy hiện nay, các cụm công nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư, khiến hiệu suất sử dụng đất đạt thấp.
Theo Sở Công Thương, đến tháng 11.2017, toàn tỉnh có 42/63 cụm công nghiệp (CCN) đã đầu tư hạ tầng và thu hút các DN, cơ sở sản xuất vào hoạt động với tổng diện tích trên 1.200 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp là 813 ha. Đến nay, đã cho thuê được 463 ha, đạt tỉ lệ 56,9%. Hầu hết, các cơ sở sản xuất trong CCN có quy mô nhỏ, gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm và vốn hoạt động.
Cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn) mới có Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Lucky Star vào xây dựng nhà máy hoạt động. Diện tích đất còn trống khá nhiều. Ảnh: TRỌNG LỢI
Khó thu hút đầu tư
CCN Tà Súc (huyện Vĩnh Thạnh) có diện tích gần 36 ha, chia làm 2 giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó hệ thống hạ tầng giai đoạn 1, gồm: điện, nước sinh hoạt, đường giao thông nội bộ được chủ đầu tư là Công ty CP xây lắp điện Tuy Phước xây dựng bài bản và có 5 DN đăng ký hoạt động. Hạ tầng giai đoạn 2 chưa được đầu tư xây dựng do thiếu vốn. Hiện có 3 DN đăng ký đầu tư vào CCN Tà Súc giai đoạn 2 đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch Hoffman và tự bỏ vốn để hoàn thiện hạ tầng. “Tiền đầu tư hạ tầng của các DN được trừ vào tiền thuê đất. Đây là hướng đi trong điều kiện ngân sách nhà nước còn eo hẹp, chưa bố trí đủ để xây dựng cơ sở hạ tầng tại các CCN”, ông Lê Văn Đính, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh, cho biết.
“Muốn nâng cao khả năng cạnh tranh để tăng cường thu hút đầu tư thì môi trường đầu tư phải được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng KT-XH ngoài hàng rào CCN một cách đồng bộ. Xây dựng và triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút và quản lý hiệu quả các dự án đầu tư tại CCN”
Ông VÕ MAI HƯNG, Phó Giám đốc Sở Công Thương
Đến nay, 8 DN đăng ký vào CCN Tà Súc hoạt động sản xuất; trong đó, giai đoạn 1 có 5 DN, tỉ lệ lấp đầy đạt 85% (12,8/15,9 ha đất quy hoạch), giai đoạn 2 có 3 DN, tỉ lệ lấp đầy đạt trên 67% (7/16 ha đất quy hoạch). Đây là số ít CCN đóng ở huyện miền núi thu hút được nhiều DN vào xây dựng nhà xưởng để hoạt động. “Tuy nhiên, đa phần các DN đang sản xuất ở đây có quy mô nhỏ, nên sản phẩm tạo ra chưa có tính cạnh tranh trong thị trường. Hạ tầng giao thông tuyến ĐT 637 tải trọng cho phép chỉ 13 tấn, nên chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa, khiến hiệu quả trong hoạt động sản xuất của các DN mang lại chưa cao”, ông Đính cho biết thêm.
Tại huyện Tây Sơn, hiện có 12 CCN được tỉnh phê duyệt; trong đó, có nhiều CCN quy hoạch, xây dựng ở nơi có địa thế đẹp, diện tích rộng, thuận tiện giao thông như CCN Cầu 16 (xã Tây Thuận), CCN Gò Giữa (xã Tây Giang), CCN Cầu Nước Xanh (xã Tây Xuân)... Tuy nhiên, sức hút đầu tư vào các CCN này còn nhiều hạn chế. Một số CCN dù đã lấp đầy như Phú An (xã Tây Xuân), Hóc Bợm và Bình Nghi (xã Bình Nghi), nhưng ngành nghề đầu tư phần nhiều là sản xuất gạch, ngói nên giá trị sản xuất mang lại còn thấp.
Ông Nguyễn Kế Lộc, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tây Sơn, cho rằng: “Đất công nghiệp ở CCN tuy quy hoạch ở các vị trí thuận lợi, nhưng hạ tầng chưa được đầu tư bài bản do thiếu kinh phí, nên ít hấp dẫn các nhà đầu tư”.
Còn theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hoài Ân, thực hiện lộ trình phát triển ngành công nghiệp, toàn huyện đã quy hoạch 4 CCN. Đó là CCN Dốc Truông Sỏi, Du Tự, Tân Thạnh và CCN Gò Bằng, tổng diện tích 50 ha. Đến nay, CCN Dốc Truông Sỏi và CCN Du Tự đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; song, chỉ thu hút được 5 DN, cơ sở sản xuất vào đăng ký hoạt động, diện tích đất còn trống trong CCN chiếm tỉ lệ khá lớn.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của các CCN trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, nói: “Các CCN đã giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận nhỏ lao động ở địa phương. Tuy nhiên, sức hút đầu tư vào các CCN ở địa phương chưa cao, chưa đáp ứng được kỳ vọng”.
So với các CCN ở các huyện miền núi và trung du thì CCN Tà Súc (Vĩnh Thạnh) có tỉ lệ lấp đầy cao.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, nhận xét: Các CCN trong tỉnh đã có đóng góp lớn vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tuy nhiên, các CCN trên địa bàn tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của mình, nhất là CCN ở các huyện miền núi và trung du.
Nguyên nhân chủ yếu là do việc quy hoạch phát triển đất công nghiệp ở các vị trí không thuận lợi, xa dân cư, hiệu quả đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN thấp, ít hấp dẫn các nhà đầu tư. Một số CCN được quy hoạch nằm gần khu dân cư khi đi vào hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Công tác triển khai đầu tư hạ tầng phần lớn dưới hình thức cuốn chiếu (vừa đầu tư hạ tầng, vừa cho thuê đất), thiếu đồng bộ làm ảnh hưởng thu hút DN thứ cấp vào đầu tư. Hiện còn nhiều dự án công nghiệp được cấp phép đầu tư bên ngoài CCN nên tỉ lệ lấp đầy các CCN còn thấp. Chưa kể, trong thu hút đầu tư chưa chú trọng các yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất; việc giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách về thuế, đất đai… cho DN còn hạn chế, phụ thuộc cấp Trung ương. Nhiều dự án sau khi giao đất nhưng chậm hoặc không triển khai hoặc kéo dài thời gian xây dựng cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư...
“Muốn nâng cao khả năng cạnh tranh để tăng cường thu hút đầu tư thì môi trường đầu tư phải được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng KT-XH ngoài hàng rào CCN một cách đồng bộ. Xây dựng và triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút và quản lý hiệu quả các dự án đầu tư tại CCN. Trong công tác xúc tiến đầu tư cần chú trọng đến nội dung và phương pháp thực hiện, nội dung kêu gọi đầu tư phải rõ ràng, có đủ những thông tin cần thiết cho nhà đầu tư. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng gọn nhẹ, rút ngắn thời gian giải quyết, thực hiện cơ chế “một cửa - tại chỗ””, ông Hưng bày tỏ.
TRỌNG LỢI