Tiểu phẩm tuyên truyền:
Đừng bỏ quên tính nghệ thuật
Tiểu phẩm tuyên truyền xưa nay vẫn được xem là công cụ “mềm hóa” và chuyển tải pháp luật, chủ trương, chính sách… đi vào thực tiễn cuộc sống hiệu quả, linh hoạt. Ðiều quan trọng là một tiểu phẩm tuyên truyền chỉ thật sự có hiệu quả khi nó đọng lại trong tâm trí người xem, vì thế không thể xem nhẹ chất lượng nghệ thuật.
An toàn giao thông, vệ sinh môi trường, dân số- kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, bảo vệ rừng… có rất nhiều chủ đề, nội dung tuyên truyền nhờ tiểu phẩm tuyên truyền “chắp cánh” mà trở nên dễ nhớ, dễ hiểu, tạo xúc cảm và đi vào lòng người hơn. Trong đó, chủ đề đang “hot” nhất hiện nay là tuyên truyền xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đầu tư xây dựng kịch bản và dàn dựng, đội ngũ diễn viên quần chúng, tuyên truyền viên cơ sở rất cần được hỗ trợ đào tạo thêm các kỹ năng để thể hiện tốt hơn.
- Trong ảnh: Hai diễn viên quần chúng trong một tiểu phẩm tuyên truyền của phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn).
Tại Liên hoan các đội Tuyên truyền lưu động tỉnh vừa được tổ chức tại huyện Phù Mỹ từ 27-29.7, hầu hết tiết mục của 10 đội tham gia đều tập trung thể hiện chủ đề nông thôn mới với chất lượng tuyên truyền cao. Đơn cử như chương trình của Đội Tuyên truyền lưu động huyện Tây Sơn, 19 tiêu chí nông thôn mới được tuyên truyền “thiệt ngọt” thông qua một… bài vè. “Nếu ai có hỏi/ tiêu chí đầu tiên/ xin trả lời liền/ đó là quy hoạch. Nào quy hoạch đất/ quy hoạch dân cư/ quy hoạch hạ tầng/ chuẩn nông thôn mới…”.
Điều đáng nói là bên cạnh những tiểu phẩm tuyên truyền đảm bảo giá trị nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật, vẫn còn không ít tác phẩm được dàn dựng sơ sài, thiếu chiều sâu. Nhược điểm thường thấy ở những tiểu phẩm tuyên truyền này là chưa có sự vận dụng linh hoạt khi đưa quá nhiều văn bản, quy định vào nội dung, khiến tác phẩm nặng nề, khô cứng; chưa có sự hài hòa giữa các hình thức tuyên truyền miệng, trực quan… Một số tiểu phẩm tuyên truyền sa đà vào những tình huống, lời thoại hài hước mang tính “chọc lét” làm loãng nội dung chính, một lượng nhỏ tiểu phẩm tuyên truyền lại sao chép từ trên mạng…
Có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng nghệ thuật của tiểu phẩm tuyên truyền còn thấp. Trong đó, nổi lên các lý do chủ yếu như: chưa thật sự hiểu về thể loại tuyên truyền cổ động; nhu cầu sử dụng tiểu phẩm tuyên truyền rất lớn, nhưng người có khả năng viết kịch bản, dàn dựng và biểu diễn không đủ đáp ứng khiến các địa phương, đơn vị phải “sản xuất” ra tiểu phẩm kiểu “mì ăn liền”; đội ngũ xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền phần lớn là “tay ngang”, viết và diễn bằng năng khiếu mà chưa được đào tạo, tập huấn để có kỹ năng, kinh nghiệm sáng tác và thể hiện trên sân khấu…
Làm giám khảo tại một hội thi tiểu phẩm tuyên truyền về an toàn giao thông diễn ra ở TP Quy Nhơn, ông Bùi Việt Thanh, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT&DL, cho rằng: “Một tiểu phẩm tuyên truyền thiếu tính nghệ thuật sẽ khó lòng đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, bởi nó không tạo được những xúc cảm cho người xem. Khi tác phẩm không khiến người xem nhớ, nghĩ về nó, thông điệp tuyên truyền cũng sẽ dễ dàng phai mờ”.
Tiểu phẩm tuyên truyền vốn là một loại hình nghệ thuật bình dân, gần gũi, hướng đến đối tượng chính là quần chúng nhân dân. Tuy vậy, không khỏi ái ngại khi những buổi diễn tiểu phẩm tuyên truyền thường thu hút không nhiều người đến xem. Trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật ngày càng cao, văn nghệ quần chúng không phong phú, chất lượng thì khó giữ chân người xem. Trong đó tiểu phẩm tuyên truyền, nếu để hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền của mình, đừng bỏ quên tính nghệ thuật.
SAO LY