TỪ VỤ CHÁY CHỢ DIÊU TRÌ:
Ðừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Công tác PCCC ở các chợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá lơ là, nhiều lỗ hổng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vụ cháy chợ Diêu Trì vào ngày 25.11 vừa qua, dù trước đó 2 ngày UBND huyện Tuy Phước đã tổ chức diễn tập PCCC tại đây là một minh chứng cụ thể.
Diễn thử… cháy thật
Chiều 23.11 tại chợ Diêu Trì, UBND huyện Tuy Phước đã tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phối hợp nhiều lực lượng. Tình huống giả định là do sự bất cẩn của một hộ tiểu thương trong khi sử dụng máy quạt đã gây ra sự cố chập điện dẫn đến cháy lớn tại khu vực sạp kinh doanh vải, quần áo may sẵn thuộc khu nhà lồng chợ. Lực lượng chữa cháy cơ sở tổ chức dập lửa nhưng đám cháy phát triển mạnh vượt khỏi tầm kiểm soát nên đã gọi điện yêu cầu lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp hỗ trợ. Có thêm lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, 20 phút sau đám cháy đã được dập tắt.
Và thật hy hữu, ngày 25.11, cũng tại vị trí diễn tập, đã xảy ra cháy thật. Điểm cháy bùng phát tại ki ốt bán quần áo do bà Nguyễn Thị Bích Phượng (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) làm chủ. Do điểm phát cháy nằm ở tầng 2 của chợ, tại ki ốt chuyên bán quần áo may sẵn, vật liệu dễ cháy nhiều, nên ngọn lửa bùng phát rất to. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tích cực dập lửa hơn 1 tiếng đồng hồ mới khống chế được đám cháy. Thiệt hại ước tính gần 2 tỉ đồng.
Theo ông Lê Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý chợ Diêu Trì, khu vực nhà chợ chính (tầng 2, khu vực xảy ra cháy) có tổng diện tích khoảng 1.100 m2, được phân chia thành 81 lô, sạp; chủ yếu buôn bán, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như: quần áo may sẵn, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng. Đây cũng là nơi chứa nhiều chất cháy có khả năng cháy lan nhanh và sinh ra nhiều khói, khí độc như nhựa, cao su tổng hợp, bông vải sợi. “Nếu không có diễn tập, chắc chắn hậu quả của đám cháy sẽ rất lớn. Bởi ngay khi phát hiện đám cháy, đội PCCC của chợ được huy động ngay lập tức và khống chế đám cháy, không để cháy lan sang các ki ốt bên cạnh”, ông Hiền nói.
Hiện nay, Cảnh sát PC và CC tỉnh đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự (CA tỉnh) khám nghiệm hiện trường, thu thập các mẫu tro, kiểm tra các thiết bị điện. Nguyên nhân của vụ cháy sẽ được công bố trong ít ngày tới.
Kiểm tra, chấn chỉnh, tuyên truyền PCCC
Trong chữa cháy, cứu nạn thì sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị, lực lượng liên quan được xem là yếu tố quyết định thành công. Tuy vậy, không phải cá nhân, đơn vị nào cũng ý thức được điều này. Theo Cảnh sát PC và CC tỉnh, công tác PCCC ở các chợ trong tỉnh vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đơn cử, các mặt hàng kinh doanh ở các chợ đa số có nguy cơ cháy cao, vì chủ yếu là vải vóc, đồ nhựa, cao su. Để tận dụng tối đa diện tích bố trí ki ốt, phần bố trí lối đi khá chật hẹp. Đó là chưa kể, nhiều hộ kinh doanh bày bán hàng hóa lấn chiếm lối thoát nạn, che chắn phương tiện chữa cháy. Nếu chẳng may gặp sự cố, việc triển khai công tác chữa cháy chắc chắn sẽ bị hạn chế rất nhiều, thậm chí phương tiện chữa cháy có thể bị vô hiệu hóa.
Ông Lê Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý chợ Diêu Trì, cho biết: “Chúng tôi rất chú trọng đến vấn đề PCCC, nhất là anh em bảo vệ chợ có quy chế làm việc, trực rất nghiêm ngặt. Ban đêm có 3 bảo vệ và 1 nhân viên điện nước trực 24/24, bảo vệ nào đến chợ có mùi bia rượu thì đội trưởng sẽ không cho trực, gọi người khác đến thay thế. Đội PCCC cơ sở của chợ có 17 người (chỉ có 4 người đã được tập huấn), trang bị 34 bình chữa cháy tại chỗ, bố trí ở những nơi dễ thấy, dễ sử dụng. Sau sự cố này, chúng tôi sẽ cử đội PCCC cơ sở tham gia các lớp tập huấn và hướng dẫn cụ thể hơn về công tác PCCC cho từng tiểu thương ở đây”.
}Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh. Chợ nào không đảm bảo công tác PCCC phải được chấn chỉnh và xử phạt nặng~
Ðại tá HUỲNH VĂN AN, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát PC và CC tỉnh
Có thể nói, công tác PCCC ở các chợ lâu nay còn nhiều lỗ hổng. Việc này, các cơ quan chức năng đều biết, nhưng để kiểm tra xử lý triệt để thì gặp khá nhiều khó khăn. Theo đại tá Huỳnh Văn An, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát PC và CC tỉnh, vụ cháy chợ Diêu Trì xảy ra chỉ sau diễn tập 2 ngày là một bài học, cảnh tỉnh công tác PCCC ở các chợ trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tiểu thương các chợ cũng cần nâng cao ý thức về PCCC, đặc biệt là quan tâm đến việc mua bảo hiểm hàng hóa để hạn chế phần nào thiệt hại khi có rủi ro xảy ra. Bởi theo tìm hiểu của PV, hầu hết hơn 800 tiểu thương đang kinh doanh ở chợ Diêu Trì đều không mua bảo hiểm hàng hóa, nên khi có sự cố xảy ra, người bị thiệt hại nặng chính là bản thân họ.
HỒNG PHÚC