Giữ gìn Biển Đông phát triển và thịnh vượng
Ngày 27.11, Hội thảo Quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” đã diễn ra tại TP.HCM.
Gần 200 đại biểu tham dự Hội thảo, trong đó có gần 90 học giả quốc tế đã mang đến gần 30 tham luận để chia sẻ, đóng góp, phân tích, nhận định và đề xuất biện pháp nhằm duy trì hoà bình, ổn định và trật tự trên vùng biển có tầm quan trọng chiến lược với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và quốc tế.
Các học giả trong nước và quốc tế đã tập trung phân tích, nhận định các khía cạnh khác nhau của vấn đề Biển Đông, từ lịch sử, an ninh, chính trị, cho đến pháp lý, kinh tế, đến các vấn đề an ninh phi truyền thống và đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp có giá trị.
Ông Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu chiến lược, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Ấn Độ đánh giá, Biển Đông đang trở thành trung tâm sự chú ý của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khi mà trật tự hàng hải đang thay đổi, khiến môi trường kém minh bạch hơn.
Ông Brahma Chellaney nhấn mạnh, Biển Đông đang nổi lên là một trung tâm mang tính biểu tượng của những thách thức hàng hải quốc tế. Theo Giáo sư Brahma Chellaney, chìa khoá đối với hoà bình và an ninh hàng hải quốc tế đó là các bên đều phải tôn trọng các quy tắc và chuẩn tắc quốc tế, không được đứng ngoài luật pháp, đứng trên luật pháp...
Giáo sư Brahma Chellaney chỉ ra nguyên nhân của tình hình trên là do sự bành trướng của Trung Quốc: “Thách thức lớn nhất, đe doạ lớn nhất đối với an ninh hàng hải trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đó là từ chủ nghĩa đơn phương. Tình trạng cố dùng sức để thay đổi nguyên trạng, vi phạm những nguyên tắc và các chuẩn tắc quốc tế từ trước.
Trung Quốc tìm cách thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông theo hướng có lợi cho mình đã gửi đi một thông điệp hết sức sai trái đối với thế giới – đó là chủ nghĩa đa phương có thể gây phương hại đến quốc tế. Đấy là thông điệp mà Trung Quốc đã gửi rất to và rõ đến thế giới”.
Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian qua, Thẩm phán Valadimir Vladimirovich Golitsyn, Chánh án Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhận định: Trong quá trình hoạt động, các Tòa thường "rơi vào thế khó" trước những thách thức khách quan và nội tại nảy sinh từ ba xu hướng quốc tế đang hình thành.
Thứ nhất, các quốc gia có xu hướng sử dụng các thủ tục tư pháp quốc tế cho mục đích chính trị và phán quyết chỉ được coi là một trong những công cụ nhằm đạt được kết quả thuận lợi cuối cùng bằng các biện pháp khác.
Thứ hai, Thẩm phán cho rằng tồn tại nguy cơ các cơ quan tài phán quốc tế đôi khi không nhớ rõ vai trò của mình trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp.
Cuối cùng là thách thức nảy sinh từ sự tồn tại của nhiều cơ quan tài phán quốc tế, cụ thể là vấn đề thẩm quyền của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đối với các tranh chấp nảy sinh theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Do vậy, khả năng đóng góp của các cơ quan tài phán vào hoà bình và ổn định sẽ phụ thuộc vào lập trường của nhiều bên trong hệ thống giải quyết tranh chấp này.
“Việc các quốc gia buộc phải đưa tranh chấp ra một trong những cơ chế quy định tại Điều 287 của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), nghĩa là những thủ tục này, đặc biệt là Toà UNCLOS với tư cách là cơ quan thường trực để hình thành Công ước, chuyên để giải quyết các tranh chấp biển, sẽ có khả năng lớn hơn trong việc đóng góp vào hoà bình, giải quyết tranh chấp bằng hoà bình so với các cơ quan tài phán quốc tế trước đó”, Thẩm phán Golitsyn nói.
Kể từ sau Phán quyết của Toà Trọng tài (PCA) vào tháng 7.2016 trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, tình hình Biển Đông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tín hiệu lạc quan nhất là những vụ va chạm nghiêm trọng xảy ra trên biển trong năm vừa qua đã giảm so với các năm trước.
Đồng thời, vấn đề Biển Đông tiếp tục được đề cập tại nhiều diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, trong thảo luận song phương giữa nhiều nước. Các thành tố liên quan đến Biển Đông như hòa bình giải quyết tranh chấp, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, thượng tôn pháp luật, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, các quan ngại về các hoạt động cải tạo, quân sự hóa các cấu trúc tại Biển Đông...vẫn tiếp tục được nêu lên.
Khi "lòng tin chiến lược" tiếp tục sa sút, nguy cơ "quân sự hoá Biển Đông" vẫn là điều đáng quan ngại nhất bởi hạ tầng trên các đảo nhân tạo trong trạng thái sẵn sàng để triển khai một lực lượng quân sự lớn.
Ông Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định: “Sự tăng cường khả năng quốc phòng của các bên, tăng cường sự hợp tác với các đối tác của nhau, một mặt hỗ trợ lực lượng của các nước để giữ cho lợi ích của mình, mặt khác cũng không loại trừ khả năng làm nóng lên việc cạnh tranh chiến lược nói chung, cạnh tranh về kinh tế và đặc biệt là cạnh tranh quân sự nó khác hơn trước”.
Từ thực tế đó, Phó giáo sư Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng, cần phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài và bền vững hơn để ngăn chặn vấn đề Biển Đông trở nên trầm trọng, từ đó đe doạ "hệ sinh thái an ninh" của toàn khu vực.
Tinh thần “thẳng thắn, khách quan, khoa học và cầu thị” là phương châm xuyên suốt của chuỗi hội thảo này trong 9 năm qua. Các đại biểu đã thảo luận tích cực để cùng tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khúc mắc, tranh chấp, xây dựng lòng tin và hợp tác để giữ gìn Biển Đông - một vùng biển của cơ hội phát triển và thịnh vượng, di sản chung quý giá của nhân loại.
Theo Huy Sơn (VOV)