Hiện tượng lấn đất ở vùng giáp ranh Vĩnh Thạnh - An Khê:
Cần được xử lý nghiêm khắc, dứt điểm
Từ năm 2008 đến nay, nhiều khu rừng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Công ty Sông Kôn) quản lý bị một số hộ dân ở thị xã An Khê chặt phá, lấn chiếm lấy đất canh tác. Việc làm này không những gây thiệt hại về kinh tế cho Công ty Sông Kôn mà còn khiến tình hình an ninh trật tự tại khu vực này trở nên bất ổn.
Hiện nay, Công ty Sông Kôn đang quản lý, sử dụng gần 15.000 ha diện tích đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên thuộc địa bàn các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Ân (Bình Định) và huyện Kbang (tỉnh Gia Lai). Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các xã Cửu An, Xuân An, Tú An (thị xã An Khê) thường xuyên vào các khu vực rừng do Công ty Sông Kôn quản lý chặt phá, lấn chiếm đất để trồng bắp, mì, đậu…
Theo ông Lê Công Thơ, Phó Giám đốc Công ty Sông Kôn: Khoảng tháng 4, 5.2013, khi Công ty khai thác xong 60 ha rừng trên diện tích 128 ha rừng trồng tại tiểu khu 217, thuộc xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) và đốt dọn thực bì để chuẩn bị trồng rừng thì một số hộ dân ở thôn An Thạch (xã Xuân An), làng Hòa Bình (xã Tú An) kéo vào khu vực này thực hiện hành vi ngăn cản, lấn chiếm đất và phun thuốc khai hoang hủy hoại cây trồng. Trước đó vào tháng 5.2012, một số đối tượng ở xã Xuân An, Tú An còn dùng hung khí kéo vào Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Nước Poon (thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, do Công ty Sông Kôn quản lý) để đập phá, đốt tài sản và đánh bị thương 3 cán bộ đang làm nhiệm vụ.
Cũng theo ông Thơ: “Hiện có 308 hộ dân ở các xã Cửu An, Xuân An, Tú An thực hiện hành vi chặt phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp thuộc quyền quản lý của Công ty Sông Kôn với diện tích hơn 601 ha, gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Trong đó, 127 hộ lấn chiếm hơn 203 ha diện tích đất trồng rừng đã khai thác cây và 181 hộ thực hiện hành vi phun thuốc khai hoang hủy hoại cây trồng để chiếm trên 397 ha. Đặc biệt, tình trạng này đã diễn ra từ năm 2008 và kéo dài đến hiện nay. Công ty chúng tôi đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị chính quyền huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê can thiệp, giúp đỡ nhưng đến nay tình hình vẫn không khả quan cho mấy”.
Có thể thấy, hành vi chặt phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp của một số người dân ở xã Xuân An, Cửu An, Tú An không những gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho Công ty Sông Kôn mà còn khiến tình hình an ninh trật tự tại khu vực giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê trở nên phức tạp. Do vậy, ngày 7.6.2013 vừa qua, UBND huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với Phòng Tài nguyên môi trường huyện, Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh, Công ty Sông Kôn và phòng, ban của thị xã An Khê tổ chức cuộc họp đề ra kế hoạch, biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Ông Bùi Tấn Thành, Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Theo nội dung cuộc họp, lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê đã và đang chỉ đạo các ban, ngành, cùng lực lượng công an 2 địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý các đối tượng có hành vi chặt phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp của Công ty Sông Kôn. Hiện 4 tổ công tác của huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê đang tiến hành kiểm tra thực địa, xác định chính xác diện tích đất của Công ty Sông Kôn bị người dân lấn chiếm để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, UBND huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với các ngành chức năng thị xã An Khê tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu và không thực hiện hành vi trái pháp luật”.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng của huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê cần kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý tình trạng một số hộ dân ở thị xã An Khê chặt phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp của Công ty Sông Kôn nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho Công ty, cũng như ổn định tình hình an ninh trật tự tại vùng giáp ranh.
PHÚC LỘC