PHẾ TÍCH ĐỀN THÁP CHĂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:
Cần được bảo vệ và nghiên cứu
Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều phế tích đền tháp, nhưng chưa được gìn giữ tốt. Ðến nay mới chỉ có vài phế tích đã được khai quật khảo cổ học để nghiên cứu, phần lớn các điểm còn lại vẫn đang chờ được giải mã những bí ẩn còn nằm sâu trong lòng đất.
Nhiều phế tích chưa được bảo vệ
Nhiều phế tích đền tháp Chăm trên địa bàn tỉnh không được bảo vệ tốt, để xảy ra tình trạng bị xâm hại, như ở các phế tích tháp Mẫm, Rừng Cấm, Tân Kiều, Lai Nghi….từ cách đây nhiều năm người dân đã lấy đi nhiều gạch, đá của công trình kiến trúc, hoặc một số người buôn bán cổ vật ở nơi khác đến đào bới lấy đi một số cổ vật. Dù chính quyền địa phương, các ngành chức năng đã nhiều lần ngăn chặn, nhưng những hiện vật giá trị vẫn lần lượt bị lấy mất.
Trong năm 2015-2016, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Mạnh - khoa Lịch sử Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, đang nghiên cứu sinh thạc sĩ Trường Đại học Kanazawa (Nhật Bản) - đã dành thời gian, công sức đi khảo sát thực tế các di tích khảo cổ học Champa ở Bình Định. Qua đó, ông đã thống kê và đánh giá trên địa bàn tỉnh có 29 phế tích đền tháp, trong đó có 9 phế tích ở Phù Mỹ, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước gần như biến mất hoàn toàn, không để lại dấu vết do tác động của con người.
Các phế tích đền tháp trên địa bàn tỉnh bị xâm hại có phần nguyên nhân quan trọng là chưa được công nhận di tích, nên chưa có văn bản pháp luật quy định ngăn cấm mọi hành vi xâm phạm. Bởi theo Luật Di sản văn hóa, dạng phế tích đền tháp muốn được công nhận trước hết ở di tích khảo cổ cấp tỉnh, thì phải đáp ứng yêu cầu “địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương”. Tuy nhiên, phần lớn các phế tích đền tháp đều là dạng di tích “dưới mặt đất” khó nhìn thấy, phần lớn còn nằm trong các tầng văn hóa của di tích nơi cư trú…chưa được khai quật khảo cổ học để nghiên cứu những giá trị.
Cần được quan tâm hơn
Theo các nhà nghiên cứu ở trong và ngoài tỉnh, mỗi phế tích đền tháp đều có giá trị nghiên cứu riêng về lịch sử hình thành, phát triển văn hóa của vương quốc Champa trên đất Bình Định. Điều này đã được khẳng định trong những năm qua, khi bắt đầu có một số cuộc khai quật tại các khu phế tích tháp Mẫm (phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) năm 2011, Gò Tháp Lai Nghi (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) năm 2013, Rừng Cấm (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) năm 2014. Qua đó, nhiều phát hiện mới từ việc xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc phục vụ cho công tác nghiên cứu về kiến trúc tháp Chăm, thu được hàng ngàn hiện vật các loại. Trong số đó có nhiều hiện vật phù điêu, tượng… có giá trị.
Thời gian tới, ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm khai quật khảo cổ học ở các phế tích đền tháp, nhằm “giải mã” những bí ẩn còn nằm sâu dưới lòng đất, tìm kiếm thêm những phát hiện mới. Đồng thời nghiên cứu sâu hơn về các phế tích đền tháp hiện còn, có vị trí, vai trò và những giá trị đặc trưng riêng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Mạnh nhận thấy ở Bình Định tồn tại hai phế tích đền tháp trên đỉnh đồi núi cao ven biển ở Hải Giang (Quy Nhơn), Vĩnh Lợi (Phù Mỹ)…Đây là một trong số rất ít các đền tháp Champa như Linh Thái (Thừa Thiên Huế), Xuân Dương (Đà Nẵng) …được xây dựng trên những đỉnh đồi núi cao ven biển miền Trung nước ta. Tại phế tích Xuân Dương, cũng từng phát hiện được một bệ thờ thần Indra - vị thần giông tố trong truyền thuyết Ấn Độ…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Mạnh nhìn nhận: “Có thể những phế tích đền tháp này trước đây có công trình được cư dân Champa sử dụng để cầu mong bình yên trong những chuyến đi biển xa. Đây là những đền tháp có vị trị rất đặc biệt trong đền tháp Champa hiện còn. Chúng nên được xem như một bộ phận cấu thành nên mạng lưới trao đổi ven sông - một lí thuyết đang “thịnh hành” trong việc lí giải các mô hình kinh tế - chính trị của các quốc gia cổ trung đại ở Đông Nam Á”.
HOÀI THU