Tăng trưởng kinh tế phải bền vững
Trong bối cảnh, điều kiện hết sức khó khăn, cùng những ảnh hưởng nặng nề của các đợt bão lũ, nhưng đến thời điểm này, 15/17 chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2017 đã đạt được. Ðó là tiền đề quan trọng để tỉnh ta triển khai các nhiệm vụ chủ yếu của năm 2018, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải theo hướng bền vững.
Đó là những đánh giá quan trọng tại Hội nghị trực tuyến tình hình KT-XH năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, do UBND tỉnh tổ chức chiều 28.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh.
Thành tựu và thách thức
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng, trước điều kiện hết sức khó khăn và nặng nề, toàn thể hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, thôn đều đã cố gắng nỗ lực để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra. Cùng với đó là sự chung tay của cả nước hướng về Bình Định sau các đợt bão, lũ kéo dài từ cuối năm 2016 và cuối năm 2017 này. Nhờ đó, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt. Đặc biệt ấn tượng là chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây; trong khi đó, thu ngân sách lần đầu tiên chạm mốc gần 7.000 tỉ đồng dù trong cơ cấu thu và nguồn thu còn rất nhiều khó khăn.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế năm 2017: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% (kế hoạch 8%); tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 31.495 tỉ đồng, đạt kế hoạch đề ra (31.490 tỉ đồng); tổng thu ngân sách ước đạt 6.950 tỉ đồng, tăng 13,4% dự toán năm và tăng 7% so với năm 2016.
Các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2018: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu USD, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 6.733,15 tỉ đồng, tỉ lệ che phủ rừng đạt 53%...
Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Tài chính, cho rằng năm 2017 sẽ đạt tổng thu ngân sách nhà nước, kể cả tổng thu nội địa và xuất nhập khẩu. Một số khoản thu đạt và vượt tương đối cao. Tuy nhiên, thu ngân sách vẫn khó khăn, nhất là thu từ công thương nghiệp - ngoài quốc doanh, trong khi trừ tiền đất, khoản thu này chiếm đến 40,8% tổng dự toán.
“Năm 2018, trong các nguồn thu có những nguồn thu dự báo rất khó khăn. Nhưng nếu công tác quản lý chặt chẽ vẫn có thể đạt, cần tập trung công tác quản lý thuế bằng các biện pháp cụ thể đã đạt hiệu quả thời gian qua như “gắn tem” đồng hồ cây xăng dầu, phần mềm quản lý thuế các cơ sở kinh doanh lưu trú, ăn uống, giải khát…”, ông Nghi cho hay.
Chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
- Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất bê tông tại Công ty TNHH bê tông Mê Kông Bình Định. Ảnh: VĂN LƯU
Đáng chú ý, thiệt hại từ cơn bão số 12 cuối năm 2017 vẫn tiếp tục để lại hậu quả nặng nề. Ông Nguyễn Công Thành, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết ách tắc luồng ra vào cảng Quy Nhơn khiến số thu thuế từ các DN xuất khẩu rất khó.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu ra nhiều tồn tại, như nhiều dự án triển khai rất chậm, trong khi tỉnh có chính sách tốt, ưu đãi nhà đầu tư, mặt bằng sạch. Cùng với đó là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hết sức khó khăn; cải cách thủ tục hành chính còn nhiều yếu kém…
}Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2018 của ngành NN&PTNT là tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng. Trong đó, trọng tâm triển khai rà soát xác định diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn; triển khai xây dựng phương án giao rừng tự nhiên, rừng trồng; củng cố nâng cao hiệu quả và năng lực hoạt động của lực lượng kiểm lâm. Về lâm nghiệp, 3 yếu tố này rất quan trọng~
Ông PHAN TRỌNG HỔ - Giám đốc Sở NN&PTNT
Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, vấn đề được người đứng đầu chính quyền tỉnh đặt ra chính là tăng trưởng kinh tế phải bền vững; tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Để đạt mục tiêu đó, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. “Cần tiếp tục thực hiện tốt thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các DN “về” Bình Định theo hướng kiên trì trong thu hút và cơ chế chính sách rõ ràng, chứ không phải chung chung cả nước chỗ nào cũng có”, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2017; tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện phát triển công nghiệp tại Khu kinh tế Nhơn Hội; các khu công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ Becamex - Bình Định và các cụm công nghiệp.
Đồng thời, cần duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển toàn diện nông- lâm- ngư nghiệp. Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tổ chức thực hiện và bổ sung các cơ chế chính sách mới để khuyến khích phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi quy mô lớn, vùng nông nghiệp công nghệ cao theo các chuỗi liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông lâm ngư nghiệp; ưu tiên nguồn lực và huy động toàn xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. “Đặc biệt, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến. Chứ dân làm ra mà không biết bán ở đâu thì làm sao được!”, Chủ tịch UBND tỉnh đặt vấn đề.
Ngoài ra, cần tiếp tục kiểm tra và có giải pháp củng cố, duy trì 49 xã đã được công nhận xã nông thôn mới, phấn đấu năm 2018 có thêm 10 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ở nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động…
Nhiều vấn đề người dân chờ đợi và kỳ vọng
3 vấn đề được Phó Chủ tịch HÐND tỉnh Võ Ðình Thú đặt ra tại hội nghị chính là sự chờ đợi và kỳ vọng của người dân về “đầu ra” cho sản phẩm nông sản; giải quyết các bất cập trong quản lý tài nguyên khoáng sản và môi trường; an ninh nông thôn.
“Việc quản lý về tài nguyên khoáng sản và môi trường rất bất cập, nhất là tình trạng khai thác cát, đá. Cử tri ý kiến rất nhiều, đến nỗi dân nói nơi nào có mỏ mà tiến hành khai thác thì đời sống ở nơi đó càng nghèo”, ông Thú cho hay.
THU HIỀN