Cựu binh Mỹ nghẹn ngào rơi nước mắt khi “Tìm lại ký ức” tại Nhà tù Hỏa Lò
Sáng nay (29.11), nhiều cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam đã cùng có mặt tại Nhà tủ Hỏa Lò để tham gia sự kiện trưng bày “Tìm lại ký ức”. Tại đây, nhiều cựu binh Mỹ chia sẻ những ký ức về chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là ký ức khó quên về trận “Điện Biên Phủ trên không”.
Cựu binh Mỹ Robert P.Chenoweth đã rơi nước mắt khi nhớ về quá khứ, về ký ức khi có mặt tại Việt Nam tham gia cuộc chiến mà nhờ nó ông ngộ ra nhiều bài học về tự do, hòa bình và thêm hiểu, thêm yêu đất nước, con người, lịch sử Việt Nam.
Những ký ức không thể nào quên
Năm 1964 - 1973, một phần của Nhà tù Hỏa Lò được dùng để tạm giam phi công Mỹ, trong đó phần lớn là những phi công đã tham chiến trong trận “Điện Biên Phủ trên không”. Bên trong bức tường đá “Hilton - Hà Nội” là cuộc sống thường ngày của phi công Mỹ. Không còn những chuyến bay với B-52 hay những trận bom rải thảm, chỉ còn lại khoảng lặng dành cho phi công Mỹ suy nghĩ lại những việc đã qua và cảm nhận về cuộc sống bình yên cùng tình người ấm áp tại trại giam Hỏa Lò. Sau 45 năm xa “Khách sạn Hilton - Hà Nội”, Trung tá Thủy quân lục chiến Edison W.Miller một trong số những cựu phi công Mỹ năm xưa nay ở độ tuổi 87 đã chia sẻ: "Tôi biết đất nước các bạn còn nghèo và tôi thường được ăn súp rau vào buổi sáng. Vào buổi chiều, họ cũng không làm tôi bất ngờ khi đưa tôi 1 bát súp. Một lần, người quản giáo Việt Nam nói chuyện với tôi và tôi đã hỏi họ có thể cho thêm rau gia vị vào súp không, để món súp thêm hấp dẫn... và tôi thấy thật tuyệt khi họ làm như vậy... Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi họ cho mỗi người chúng tôi 3 điếu thuốc lá một ngày. Mỗi buổi sáng có 4 người đến phát thuốc lá cho chúng tôi và tôi thích khoảng thời gian 3 lần 1 ngày khi được hút thuốc...".
Trong buổi sáng đầu đông của Hà Nội, sau 45 năm mới có dịp trở lại nhà tù Hỏa Lò, cựu phi công Mỹ - Robert P.Chenoweth không giấu được sự xúc động, nghẹn ngào. Đến nay, trong trí nhớ của ông vẫn ăm ắp những ký ức vừa đau thương vừa ấm áp tình người khi tham gia chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn ông sống tại trại giam Hỏa Lò và các trại giam khác ở miền Bắc Việt Nam.
Người cựu binh Mỹ đã rơi nước mắt, liên tục nói “xin lỗi” vì không thể nói nên lời do những cảm xúc từ quá khứ ùa về. Ông kể rằng, năm 1967 ông được đưa đến Việt Nam để tham gia cuộc chiến, đến năm 1970 khi đang thực hiện việc thả bom tại chiến trường Quảng Trị thì bị bắn rơi máy bay và bị quân, dân Việt Nam bắt giữ. Trong suốt quá trình làm tù binh, người cựu binh Mỹ được chứng kiến sự quả cảm, kiên cường của dân và quân Việt Nam khi bảo vệ đất nước. Quá trình ấy, Chenoweth đã ngộ nhiều điều về chiến tranh Việt Nam, về những điều mà những người lính Mỹ được giáo dục hoàn toàn khác với những gì họ được chứng kiến từ cuộc chiến. “Tháng 12.1972, tôi được ra Hà Nội, lúc đó là khoảng một tuần trước đợt oanh tạc B52 vào Hà Nội. Tôi và nhiều cựu binh khác được đưa đến Lý Nam Đế sau đó là về trại giam Hỏa Lò. Chúng tôi đã được chứng kiến Hà Nội rung chuyển và kiên cường trong 12 ngày đêm chiến đấu với những đợt ném bom B52. Chúng tôi đã hiểu hơn nhiều về cuộc chiến tranh Việt Nam, về những điều phi nghĩa mà những người lính Mỹ đang thực hiện. Những chính sách nhân đạo của người Việt Nam với chúng tôi trong quá trình tạm giam là điều mà chúng tôi vô cùng cảm kích”, Chenoweth chia sẻ.
Người cựu binh Mỹ kể rằng, trước khi về nước, ông được người quản giáo tặng một chiếc ấm tích để làm kỷ niệm. Bản thân ông bày tỏ nguyện vọng được xin một lá cờ Việt Nam vì với ông đó là vật vô cùng thiêng liêng nhắc nhớ ông không bao giờ được quên những tháng ngày ở Việt Nam, đất nước đã giúp ông hiểu hơn về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Nhiều đồ vật mà ông được dùng, sinh hoạt trong quá trình sống tại trại giam Hỏa Lò đều được mang về. Đến nay, những đồ vật ấy đã trở thành kỷ vật vô giá đối với người cựu binh Mỹ. Trong dịp trở về di tích nhà tù Hỏa Lò, ông Chenoweth đã tặng lại Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò những kỷ vật mà ông cất giữ như bảo vật của riêng mình, đó là lá cờ Việt Nam, chiếc bát ăn cùng đôi đũa sơn đỏ mà ông sử dụng khi ở trại giam Hỏa Lò, chiếc túi có ghi tên ông để đựng đồ dùng cá nhân khi được về nước… Trung tá Thomas Eugene Willber (con trai của Đại tá Hải quân Walter Eugene Wilber) đã từng nhiều lần trở lại Việt Nam để tìm hiểu lịch sử, con người Việt Nam nhờ vào những kỷ vật và câu chuyện kể của người cha khi trở về từ cuộc chiến tại Việt Nam. Trung tá Thomas cho biết, đây là lần thứ 14 ông về lại Hỏa Lò, và lần nào ông cũng vẹn nguyên sự xúc động. Ông từng tìm thấy hình ảnh, ký ức của cha mình trong các chứng tích, tư liệu còn lưu tại Hỏa Lò. Bản thân ông đã trao tăng lại BQL di tích nhà tủ Hỏa Lò những kỷ vật, bức thư của cha ông khi viết gửi về gia đình trong quá trình bị giam tại Hỏa Lò. “Chúng tôi đến đây để không chỉ tìm lại ký ức, tìm lại quá khứ mà còn với mong muốn được hiểu hơn về lịch sử để từ đó nhân thêm những giá trị về lòng nhân ái, yêu thương và hòa bình”, Trung tá Thomas chia sẻ. Nhiều tư liệu quý được trưng bày trong “Tìm lại ký ức” Buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” được khai mạc trong sáng nay (29.11) tại Di tích nhà tù Hòa Lò đã gợi lại nhiều điều đẹp đẽ, thiêng liêng với các cựu binh Mỹ và Việt Nam. Rất nhiều nhân chứng lịch sử, những người đã từng trải qua nhưng ngày đêm khốc liệt năm 1972 cùng có mặt như: Nữ chiến sĩ tự vệ Phạm Thị Viễn; thân nhân liệt sỹ phi công Hoàng Tam Hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Nguyễn Đức Soát; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Trần Việt; phóng viên ảnh chiến trường Chu Chí Thành đặc biệt là các đồng chí làm công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phi công Mỹ thuộc đoàn 875, Tổng cục chính trị (1964-1973)...
Trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” được chia thành 4 nội dung: Đối mặt với B52, Khách sạn Hilton - Hà Nội, Ngày trở về và Xây đắp tương lai. Nội dung trưng bày “Khách sạn Hilton - Hà Nội” đem đến cho những ai chưa từng trải qua chiến tranh biết thêm nhiều câu chuyện thời chiến chứa đựng đầy bất ngờ và giàu tính nhân văn, đặc biệt là những câu chuyện của những người làm công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phi công Mỹ trong trại giam Hỏa Lò. Những câu chuyện thú vị về một số phi công Mỹ bị bắt giam tại đây cũng được kể lại sống động, đó là: Trung úy Hải quân Everett Alvarez Jr. - phi công đầu tiên bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam, Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber, Hạ sỹ Robert P. Chenoweth, Trung tá Thủy quân lục chiến Edison W. Miller...
Phần trưng bày “Ngày trở về” là những câu chuyện cảm động về hơi ấm tình vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng… sau bao năm xa cách của các tù binh chính trị Việt Nam được chính quyền Mỹ - Ngụy trao trả tại bãi Nhan Biều bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị cũng như những phi công Mỹ được trao trả tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội.
“Xây đắp tương lai” là nội dung cuối của trưng bày chuyên đề thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” là dịp để người dân Việt Nam thêm tự hào về lịch sử đấu tranh, bảo vệ tổ quốc và cũng là dịp để các cựu phi công Mỹ nhớ lại một khoảng lặng trong cuộc đời, giúp mỗi người hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, để cùng góp sức xây dựng thế giới hòa bình, xây đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ.
Theo Hoàng Lân (HNMO)