Đền bù thiệt hại cho ngư dân có tàu cá bị hư hỏng:
Doanh nghiệp không thống nhất, ngư dân đòi trả tàu cho doanh nghiệp
(BĐ) - Ngày 30.11, Sở NN&PTNT đã mời Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu cùng các ngư dân có tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ để họp bàn giải quyết việc đền bù thiệt hại cho ngư dân trong thời gian tàu cá bị hư hỏng nằm bờ.
Theo Sở NN&PTNT, có 19 ngư dân tại Hoài Nhơn (6 ngư dân), TP Quy Nhơn (2 ngư dân), Phù Cát (7 ngư dân), Phù Mỹ (4 ngư dân) đã đề nghị Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu đền bù thiệt hại với số tiền trên 36,937 tỉ đồng. Trong đó đền bù chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu, mua thêm trang thiết bị (13 tàu) hơn 6,719 tỉ đồng; lỗ tổn phí, thuê thuyền viên do tàu khai thác không hiệu quả (11 tàu) gần 4 tỉ đồng; đền bù kinh phí thuê tàu lai dắt do bị hư hỏng trên biển (2 tàu) 200 triệu đồng; đền bù cho 1 tàu bị hư hỏng 386,6 triệu đồng; chi phí sinh hoạt gia đình, trả phí neo đậu trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa (6 tàu); tổn thất và lợi nhuận do tàu không khai thác được (11 tàu) 9,45 tỉ đồng; thuê thuyền viên trong thời gian tàu nằm bờ để sửa chữa (9 tàu) 3,828 tỉ đồng; nợ gốc lãi ngân hàng (12 tàu) trên 8,997 tỉ đồng; hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48/2010 của Chính phủ (7 tàu) 2,9 tỉ đồng và trả lại tiền phí thiết kế (5 tàu) 250 triệu đồng.
Đối chiếu với báo cáo thiệt hại do UBND các huyện, thành phố ven biển gửi Sở NN&PTNT tổng hợp công bố tại cuộc họp, nhiều ngư dân đề nghị ngành chức năng của tỉnh bổ sung thêm kinh phí thiệt hại do tàu bị hư hỏng nằm bờ chưa được đề cập trong báo cáo và đề nghị các doanh nghiệp (DN) sớm đền bù thiệt hại.
Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho rằng, máy móc và vỏ tàu cá do công ty đóng đều ổn định, không có lý do gì mà tàu nằm bờ. “Chúng tôi không đồng thuận hỗ trợ và đền bù thiệt hại theo yêu cầu của ngư dân”- ông Nguyên nhấn mạnh. Còn ông Nguyễn Văn Mẫn, Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cho biết: Việc sửa chữa tàu cá vỏ thép gặp trở ngại do thời tiết bất lợi, dẫn đến tiến độ chậm so với kế hoạch. Công ty tiếp thu ý kiến của ngành chức năng, chính quyền địa phương và đề nghị đền bù thiệt hại của ngư dân, báo cáo với Tổng cục Hậu cần- Kỹ thuật (Bộ Công an). Công ty cũng mong muốn tiếp tục cùng với ngư dân bàn bạc đi đến thống nhất số tiền đền bù.
Hầu hết các ngư dân tham gia cuộc họp đều không đồng tình với ý kiến của các DN, nhất là đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Ngư dân Lê Văn Thãi, ở xã Cát Khánh (Phù Cát) bức xúc: “Tàu cá vỏ thép mới đưa vào sử dụng đã bị rỉ sét, hư hỏng là do các DN đóng tàu, DN không thể thoái thác như vậy. Nếu DN không đền bù thiệt hại do tàu cá bị hư hỏng nằm bờ, chúng tôi sẽ trả tàu cho DN”.
Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho rằng, việc 2 DN đền bù hay không đền bù thiệt hại cho ngư dân đều phải thể hiện bằng văn bản. Trường hợp đền bù thì phải ghi rõ thời gian cụ thể, đền bù tàu nào, bao nhiêu, thông báo cho ngư dân biết.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Chúng tôi sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh về nội dung cuộc hợp này và yêu cầu các ngư dân liệt kê lại số tiền thiệt hại do tàu cá bị hư hỏng nằm bờ gửi UBND các huyện, thành phố ven biển, gửi Sở NN&PTNT để Sở tổng hợp gửi cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Sở NN&PTNT đề nghị ngày 15.12, các DN trả lời bằng văn bản, trên cơ sở đó Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT xem xét, chỉ đạo. Sở NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục mời 2 DN cùng với ngư dân bàn bạc việc đền bù thiệt hại do tàu cá bị hư hỏng nằm bờ. Nếu qua 3 lần họp bàn mà các DN và ngư dân không thống nhất kinh phí thời gian thực hiện đền bù, ngư dân có thể kiện ra tòa theo quy định.
T.SỸ