Chủ động bảo vệ thủy sản mùa mưa bão
Những năm qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là nghề đối diện với nhiều rủi ro, bởi ảnh hưởng của thời tiết, môi trường, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Ðể tránh thiệt hại, cần chủ động các biện pháp bảo vệ thủy sản.
Ao nuôi tôm kết hợp nuôi cá mú ở xã Nhơn Hội - TP Quy Nhơn. Ảnh: N.NHUẬN
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay gần 4.176 ha, trong đó nuôi thủy sản nước ngọt gần 1.640 ha, thủy sản nước lợ 2.185 ha, các loại thủy sản khác 350 ha. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng khai thác từ nuôi trồng thủy sản ước đạt 9.970 tấn; trong đó sản lượng tôm 7.100 tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Châu nuôi tôm trên diện tích 8,2 ha tại thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh (Phù Cát), cho biết: “Mùa mưa bão, ao nuôi phát sinh nhiều tảo nên cần diệt tảo, tăng cường bơm nước, vệ sinh ao nuôi thường xuyên. Đặc biệt mùa này thường có không khí lạnh nên tôm chậm lớn, cần tăng cường sức đề kháng cho tôm để tôm phát triển tốt. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập 5 - 6 tỉ đồng”.
Anh Nguyễn Văn Thành, ở thôn Trường Xuân, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), cho biết: “Để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần chủ động đảm bảo các biện pháp chống xói, lở bờ gây thất thoát tôm nuôi, nếu ao nuôi không ổn định thì không nên thả nuôi trong mùa mưa bão. Gia đình tôi thả nuôi mật độ 80 con tôm/m2 trên diện tích 2.000 m2, sản lượng thu hoạch đạt khá, thu nhập ổn định. Năm nay bà con nuôi tôm ở đây thu nhập khá, từ 600 - 700 triệu đồng/hộ”.
Là người có trên 10 năm kinh nghiệm nuôi cá lồng trên biển, ông Nguyễn Văn Điện, ở KV 9, phường Hải Cảng (Quy Nhơn), cho hay: “Hồi trước chưa có kinh nghiệm nuôi cá nên mùa mưa bão cá hay bị bệnh chết. Giờ bà con đã chủ động phòng tránh dịch bệnh cá nuôi bằng nhiều biện pháp như: thay lưới, vệ sinh lồng nuôi, củng cố lồng bè…, sản lượng nuôi đạt cao. Gia đình tôi nuôi các loại cá chẽm, cá mú, cá hồng trên diện tích 400m2. Nhờ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và kinh nghiệm nuôi của mình nên trừ chi phí cũng kiếm được 60 - 70 triệu đồng/năm”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, cho biết: “Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, Sở NN&PTNT tỉnh đã ban hành lịch thời vụ, khuyến cáo người nuôi cần tuân thủ các biện pháp để bảo vệ vật nuôi, đối với những vùng có nguy cơ lũ lụt cao thì nên thu hoạch trước tháng 9 để tránh thiệt hại; những vùng nuôi tôm trên cát hoặc nuôi ao trải bạt có khả năng tránh lụt thì mới được thả nuôi nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản”.
Cũng theo bà Lan, mùa mưa bão, tôm chân trắng hay mắc các bệnh do virus, vi khuẩn như: cụt râu, mòn chân, lở loét…; cá nuôi lồng bè hay gặp các bệnh: đen mang do nhiễm bùn, nước ngọt xuống làm chết cá…; tôm hùm nuôi thường bị bệnh đen mang, đỏ thân, sữa… Vì vậy, người nuôi tôm cần gia cố bờ ao, tăng cường đảo nước, rắc vôi xử lý môi trường tạo vi khuẩn có lợi trong ao nuôi để tôm phát triển. Với các hộ nuôi cá lồng, tôm hùm, khi phát hiện dịch bệnh cần chủ động cách ly con giống bị bệnh; tăng cường gia cố, vệ sinh lồng nuôi thông thoáng… để phòng tránh dịch bệnh.
NGỌC NHUẬN