Những kỷ niệm sâu sắc trên đất Triệu Voi
Kỷ niệm 42 năm Quốc khánh Lào (2.12.1975- 2.12.2017), đại tá cựu chiến binh Tăng Xuân Ngọc (ở 38 Ngô Thời Nhiệm, Quy Nhơn) lại nhớ về những năm tháng ý nghĩa bên xứ sở Triệu Voi. Ông nói rằng, ở Lào đến 35 năm, có 2 chuyến đi ông nhớ nhất.
Đại tá Tăng Xuân Ngọc (bên trái) cùng Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Bounnhang Volachith những ngày ở Lào, 7.2016.
Viêng Chăn ngày binh biến
Sau khi ta giúp bạn cứu được 7 nghị sĩ Quốc hội, 9 ủy viên Trung ương Mặt trận Lào yêu nước bị lực lượng phản động bắt giam, không bao lâu ở Lào có cuộc binh biến. Ngày 9.8.1960, Koong Le, đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 nhảy dù quân đội Hoàng gia Lào tiến hành cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính phủ Hoàng gia thân phương Tây, lập ra chính phủ trung lập ở Lào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cử đồng chí Chu Huy Mân, phụ trách Quân sự Ban công tác Lào Trung ương và ông Ngọc sang Viêng Chăn theo dõi, nắm tin tức.
Theo máy bay vận tải của Liên Xô viện trợ cho chính phủ mới, đoàn đã vào thủ đô của bạn an toàn, qua mắt các lực lượng đối lập. Vài ngày sau, ông Ngọc lại đón đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản của Mặt trận Lào yêu nước sang chỉ đạo lực lượng đảo chính. Trong những ngày này, phe đảo chính thường xuyên nhận mọi thông tin từ ông Tăng Xuân Ngọc mà không hề biết rằng có hai đồng chí lãnh đạo cao cấp là Chu Huy Mân và Cay-xỏn Phôm-vi-hản đang ở rất gần.
Một thời gian sau, tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu. Trung ương lo ngại cho sự an toàn của lãnh đạo nước bạn đã chỉ thị đưa khẩn cấp về Việt Nam. Như lịch hẹn, ông đốt lửa suốt đêm làm hiệu để máy bay đỗ, tuy nhiên do thời tiết, chiếc máy bay đã gặp nạn. Để bảo vệ bí mật quân sự, hai đồng chí trong tổ lái cũng là những người bạn của ông đã hy sinh. Phương án 1 không thành được thay thế bằng phương án đánh chiếm một đồn lính của bọn phản động, nơi có sân bay, cách Viêng Chăn 80 km. Ông tiếp tục lo toan phối hợp và mọi việc diễn ra như dự định. Sau khi các đồng chí lãnh đạo của bạn về Việt Nam, ông Ngọc tiếp tục ở lại Lào làm chuyên gia cho lực lượng đảo chính đánh lên Đường 7 và giải phóng Cánh đồng Chum.
Năm 1962, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào được ký và thành lập Chính phủ liên hiệp. Theo quy định, các cố vấn, chuyên gia nước ngoài rút hầu hết về nước. Nhà vua Lào Xri Xavang Vatthana đã tặng ông huân chương Triệu Voi- huân chương cao quý nhất của Lào- vì những đóng góp của ông với nước bạn. Ông cũng không ngờ mình tiếp tục được đón đoàn đại biểu Hoàng gia Lào sang thăm Việt Nam tháng 3.1963. Chính những ngày này, Bác Hồ đã ứng khẩu mấy câu thơ bất hủ đến bây giờ: Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt-Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
Tỉnh ủy Xayabury đón tiếp ông Tăng Xuân Ngọc.
Chu du 4 tỉnh Bắc Lào
Trung tuần tháng 7. 2016, ông Ngọc trong đoàn đại biểu nước ta qua thủ đô Viêng Chăn viếng nguyên Chủ tịch Quốc hội Lào Saman Viyaket qua đời. Tại đây, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Bounnhang Volachith mời: “Anh năm nay đã 85 tuổi. Ở lại chu du Lào một chuyến, chớ khó có dịp quay trở lại”. Tổng bí thư Bounnhang Volachith cắt cử một đoàn 7 người đi cùng với ông Ngọc trên chiếc máy bay Airbus 320 đời mới và cho chuẩn bị sẵn một vali với 5 bộ quần áo, thích nghi với đủ loại thời tiết cho ông. Máy bay đáp xuống cố đô Luông Pha Băng- di sản văn hóa thế giới. Ra đón đoàn ở sân bay đã có đồng chí Bí thư kiêm Tỉnh trưởng của bạn, làm ông vô cùng ngạc nhiên. Hỏi thì được trả lời: “Đồng chí Tổng Bí thư bảo chúng cháu phải tiếp đón thật chu đáo một người có công lớn với nước Lào, vậy thôi”. Những ngày ở đây, ông dành thời gian đi thăm Bảo tàng Cung điện Hoàng gia của Lào. Ông lặng đi trước bức trướng Bác Hồ tặng nhà vua Lào Xri Xavang Vatthana, khi đoàn qua thăm Việt Nam năm nào. Được giữ gìn cẩn thận, hơn 50 năm qua, bức trướng vẫn còn tươi rói, trên đó nổi bật cùng với dòng chữ Lào là câu tiếng Việt “Tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam và Lào muôn năm”. Ông nói với người phụ trách Bảo tàng cho chụp ảnh với bức trướng, bởi ngày Bác Hồ trao tặng nhà vua tại Hà Nội, ông cũng có mặt. Ở đây không được phép chụp ảnh, nhưng với ông là ngoại lệ, ông đã có bức ảnh đặc biệt ở cố đô.
Tạm biệt bức trướng và cố đô nhắc nhiều kỷ niệm về những ngày bên Bác, ông tiếp tục với hành trình lên các tỉnh phía Bắc của bạn. Điểm dừng chân thứ hai là tỉnh Xayabury và sau đó là tỉnh Luông Nậm Thà mà với ông có quá nhiều gắn bó. Ông tiếp tục qua Oudomxay, một tỉnh Tây Bắc phát triển mạnh mẽ. Đi đến đâu ông cũng được bạn đón tiếp nồng ấm, thủy chung. Lãnh đạo 4 tỉnh ông đi thăm nói rằng, tối nào đồng chí Tổng Bí thư Bounnhang Volachith cũng gọi điện hỏi thăm sức khỏe ông, nói với họ tạo mọi điều kiện tốt nhất để bác Ngọc tham quan, nghỉ dưỡng.
HỒNG VÂN