Tái cơ cấu du lịch phải rất chi tiết, cụ thể
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch và một số chuyên gia, đại diện DN du lịch lớn về một số nội dung của đề án tái cơ cấu ngành du lịch, chiều 30.11.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Những câu hỏi cần trả lời
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết những vấn đề lớn được đặt ra trong đề án là phát triển các dòng sản phẩm du lịch; quy hoạch, quản lý môi trường điểm đến; nguồn lực cơ sở vật chất, kỹ thuật; cơ cấu các loại hình DN du lịch và vai trò của các DN “đầu đàn”…
Những vấn đề này được đưa ra dựa trên thực trạng của du lịch Việt Nam hiện nay. Đó là cơ cấu sản phẩm du lịch tiếp cận theo chuỗi giá trị còn khập khiễng. Các sản phẩm thương mại, nông nghiệp chưa định hướng phát triển thành sản phẩm đầu vào để hình thành sản phẩm du lịch. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Thị trường khách quốc tế thiếu cân đối chủ yếu là thị trường Đông Bắc Á (55%) và Đông Nam Á chiếm 16% trong khi thị trường xa, chi tiêu cao chiếm tỷ trọng thấp.
DN kinh doanh lữ hành quy mô nhỏ và vừa chiếm tới 96% nhưng các DN lớn lại có tiềm lực lớn, đón và phục vụ số lượng lớn thị trường chỉ 10 DN lữ hành hàng đầu đã đớn 10% tổng lượng khác. Tuy nhiên các DN lớn chưa hỗ trợ cộng đồng DN du lịch cùng phát triển vững mạnh.
Lao động du lịch dưới sơ cấp chiếm gần ½, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng gần ½ và chỉ có 7,4% có trình độ đại học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch heo hướng chuyên nghiệp, có năng lực cạnh tranh.
Nhiều nơi du lịch phát triển tự phát, thiếu tính bền vững, thiếu tính quy luật của thị trường.
Từ thực tế này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đề án tái cơ cấu ngành du lịch phải trả lời những câu hỏi như: Tái cơ cấu những gì, tập trung phát triển sản phẩm như thế nào, tạo ra xung lực mới ra sao và nhất định phải nêu rõ lộ trình, trách nhiệm cụ thể, giải pháp, cách làm.
Đây cũng là nội dung góp ý của các chuyên gia, đại diện DN du lịch lớn trong cuộc họp.
Bắt đầu từ sản phẩm du lịch
Ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hàng không Ngôi Sao Việt cho rằng tái cơ cấu ngành du lịch thì yếu tố cốt lõi đầu tiên là phát triển các sản phẩm du lịch.
“Chúng ta cần có quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Các sản phẩm du lịch ở Việt Nam đang ở tình trạng những sản phẩm đang có không quá nhiều hay thừa vì vậy điều cần bàn không phải là tái cơ cấu các dòng sản phẩm du lịch mà chúng ta sẽ làm thêm gì, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng. Ví dụ ngành du lịch rất thiếu những bảo tàng, công viên chuyên đề đặc sắc nên du khách không biết đi đâu chơi, tham quan chỗ nào”, ông Nam bày tỏ.
Nhiều ý kiến đồng tình với cách tiếp cận của ông Nam từ sản phẩm du lịch sẽ xác định các việc cần phải làm liên quan đến nhân lực, đổi mới DN du lịch, quản lý nhà nước, quản lý điểm đến.
Trong khi đó, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty du lịch Thiên Minh đề cập đến những giải pháp để tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam như nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào kết nối, chia sẻ giữa các DN du lịch; lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp cho từng vùng du lịch.
“Lợi thế so sánh cạnh tranh rất quan trọng. Để thu hút du khách mọi thứ chúng ta làm phải tốt hơn những nước khác thế giới từ xúc tiến, quảng bá, đến thủ tục xuất nhập cảnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…”, ông Kiên bày tỏ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng đề án nhất thiết phải nêu lên một số điểm nóng, vấn đề nóng và có lộ trình tập trung giải quyết dứt điểm. “Ví dụ ngành du lịch, các địa phương có dám cam kết sau 1 năm các khu du lịch sẽ sạch sẽ, an toàn thực phẩm không?”.
Theo ông Bình, đề án nên định hướng hình thành những sản phẩm du lịch quốc gia gắn với khu du lịch trọng điểm từ đó có kế hoạch đầu tư dài hạn, bài bản ngay từ đầu.
Một vấn đề nhận được rất nhiều góp ý đó là sự phối hợp giữa DN và Tổng cục Du lịch, các địa phương trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh của Việt Nam tại những sự kiện du lịch lớn trên thế giới. Đại diện các tập đoàn Vingroup, Sungroup, Mường Thanh… đã nêu ra nhiều cơ chế hợp tác với Tổng cục Du lịch để triển khai các hoạt động xúc tiến tại các hội chợ, sử dụng CNTT để quảng bá qua mạng Internet, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội…
Càng chi tiết, cụ thể càng tốt
Từ các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh để phát triển bền vững, tái cơ cấu ngành du lịch phải được triển khai với tư duy mới, thật thiết thực. Đó là giải quyết căn bản từng vấn đề, bất cập từ xúc tiến, quảng bá, giao thông hàng không, thủ tục xuất nhập cảnh đến quản lý điểm đến, bảo đảm môi trường du lịch an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Tái cơ cấu phải xuất phát từ sản phẩm du lịch, tiếp đế là thị trường, nhân lực, đầu tư hạ tầng, quản lý các điểm đến…
“Tinh thần là trung ương làm chính sách, thanh tra kiểm tra, triển khai cụ thể là các địa phương. Đề án cần xác định thời gian, lộ trình cụ thể cũng như các khu vực du lịch trọng điểm. Trong phát triển sản phẩm du lịch cần xác định rõ ai sẽ làm. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách, từ DN được huy động, sử dụng ra sao”, Phó Thủ tướng gợi ý và đề nghị Tổng cục Du lịch cần khẩn trương tiếp thu ý kiến của chuyên gia, DN, hoàn thiện đề án với tinh thần “chi tiết nhất có thể, tránh chung chung”. Đặc biệt phải có “danh sách” một số việc cần làm triệt để, căn bản nhằm giải quyết những “điểm nóng” đang gây bức xúc cho du khách, DN làm du lịch.
Theo Đình Nam (Chinhphu.vn)