Ðẩy mạnh trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
Theo báo cáo của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, từ đầu năm đến nay, Trung tâm và các chi nhánh đã thụ lý, tham gia tố tụng cho 484 vụ án, vụ việc hình sự, dân sự, cao nhất từ trước đến nay, đạt 142% kế hoạch.
Để đảm bảo cho tất cả các trường hợp liên quan đến các vụ án hình sự là người thuộc diện hộ nghèo được trợ giúp pháp lý (TGPL), ngoài việc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh chủ động, bản thân trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) ở các chi nhánh cũng thường xuyên liên hệ với cơ quan tiến hành tố tụng để đề nghị được tham gia tố tụng, hoặc gặp gỡ người thân của bị can, bị cáo, bị hại thực hiện tư vấn tiền tố tụng.
Ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, cho biết: “Để công tác TGPL trong hoạt động tố tụng phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để các đối tượng được TGPL hiểu và có điều kiện hưởng lợi từ dịch vụ này. Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tham gia tố tụng, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ TGVPL, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành thành viên của hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước”.
Cùng với đó, sự tăng cường quan hệ phối hợp giữa các chi nhánh với chi hội luật gia của tòa án, viện kiểm sát huyện, đồng thời với việc phối hợp tích cực giữa cán bộ tiến hành tố tụng với TGVPL trong cùng vụ án đã đảm bảo sự có mặt của người bào chữa theo đúng quy định. Theo đánh giá của các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh, các TGVPL đã góp phần tích cực trong việc giải quyết các vụ án. Quá trình tham gia tố tụng, TGVPL đã tạo được điểm tựa tinh thần cho các đối tượng được TGPL và đưa ra những quan điểm xử lý hợp lý, hợp tình, đúng pháp luật, có sức thuyết phục cao, được hội đồng xét xử chấp nhận.
Theo ông Nguyễn Công Binh, Viện rưởng Viện KSND huyện Tuy Phước, thời gian gần đây, đội ngũ TGVPL đã thể hiện tốt vai trò của mình khi tham gia từ phần thẩm vấn cho đến việc biện hộ, lập luận và tranh tụng cùng kiểm sát viên khi vụ án được đưa ra xét xử. Từ đó, hội đồng xét xử đưa ra mức án phù hợp trên tinh thần không xử oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm.
K.ANH