LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC NĂM 2017:
Nâng cao trách nhiệm công vụ, đảm bảo lợi ích của công dân
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2018. So với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Luật năm 2017 có nhiều điểm mới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 gồm 9 chương, 78 điều. Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Võ Hồng Nam cho rằng, Luật có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt chính trị và pháp lý, đã hoàn thiện hơn các quy định, điều chỉnh TNBTCNN, đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc củng cố, hoàn thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy, của nền công vụ, cũng như trách nhiệm của Nhà nước với công dân. Mặt khác, Luật còn thống nhất với các luật, bộ luật mới ban hành; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành của Luật TNBTCNN năm 2009, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.
}Các vụ án bị oan, sai phải bồi thường vừa qua là do cơ quan, người thi hành công vụ tắc trách, trình độ chuyên môn chưa cao; nhiều vụ án hình sự có mớm cung, thông cung… nên dẫn đến điều tra, truy tố, xét xử oan, sai… Những quy định mới trong Luật TNBTCNN năm 2017 sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của cơ quan, cán bộ thực hành công vụ; đảm bảo người dân được bồi thường một cách nhanh chóng, thỏa đáng hơn~.
Luật sư VÕ HỒNG NAM, Chủ nhiệm Ðoàn Luật sư tỉnh
Sự tiến bộ ấy thể hiện ở điểm mới đầu tiên - quyền yêu cầu bồi thường. Những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường bao gồm: Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự. “Việc mở rộng chủ thể yêu cầu bồi thường như trên là cần thiết, nhằm tạo điều kiện để người thừa kế, người đại diện theo pháp luật được yêu cầu và bồi thường”, luật sư Võ Hồng Nam nhận định.
Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi toàn diện về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; trong đó quan trọng là rút ngắn thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường từ 95 - 125 ngày xuống còn từ 41 - 71 ngày. Thời hiệu yêu cầu bồi thường lại được tăng từ 2 lên 3 năm, bảo đảm phù hợp với quy định tại điều 588 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường, đồng thời cũng giúp người yêu cầu có nhiều thời gian chuẩn bị giấy tờ, tài liệu chứng minh thiệt hại để thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường.
Đáng chú ý, Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung nhiều loại thiệt hại được bồi thường, tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần, lượng hóa một số loại thiệt hại được bồi thường. Qua đó, giúp người được bồi thường nhận được số tiền nhiều hơn, bù đắp tương xứng với những thiệt hại mà họ phải gánh chịu.
Đặc biệt, về phục hồi danh dự, so với quy định tại điều 51 Luật TNBTCNN năm 2009, điều 59 Luật TNBTCNN năm 2017 bổ sung hình thức đăng trên cổng thông tin điện tử của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại (nếu có) và việc niêm yết công khai tờ báo đăng xin lỗi, cải chính công khai tại trụ sở UBND cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân, hoặc nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại. Quy định này nhằm bảo đảm hơn việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại.
Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Huỳnh Thị Kim Xuyên, những năm qua tại Bình Định chưa xảy ra TNBTCNN trong án hình sự cũng như tố tụng hành chính. Tuy nhiên, với những sửa đổi, bổ sung mới, nếu các cấp chính quyền, cơ quan hành pháp, kể cả cán bộ công chức khi xử lý hành chính, tư vấn pháp luật không dựa vào thực tế, áp dụng không đúng pháp luật thì nguy cơ có thể xảy ra oan sai, dễ phải bồi thường theo luật định. “Nhạy cảm” nhất là khi ban hành quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất; bồi thường, giải tỏa, giải phóng mặt bằng… Một thông tin đáng chú ý, trong 7.534 vụ khiếu nại của giai đoạn 2014 - 2017, có đến trên 69% số vụ liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ.
NGUYỄN VĂN TRANG