"Quyết định tăng giá điện chưa có sự tham gia của bên mua điện"
VCCI cho rằng, giá điện vẫn có thể được minh bạch hơn nữa, nếu quyết định tăng giá có sự tham gia của bên mua điện.
Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giá điện có thể được minh bạch hơn nếu quyết định tăng giá có sự tham gia của bên mua điện.
Tại buổi họp báo về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2016 được tổ chức chiều 1.12 ở Hà Nội, Bộ Công Thương cho biết, năm 2016, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thu nhập từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác liên quan đến điện là 3.251 tỉ đồng, giúp cho tập đoàn lãi 2.658 tỉ đồng.
Tuy nhiên, riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 của EVN lỗ gần 600 tỉ đồng. Ngoài ra, khoản chênh lệch tỉ giá chưa được phân bổ tính đến cuối năm 2016 vẫn lên tới trên 9.500 tỉ đồng. Cùng với đó là các yếu tố đầu vào như than, khí đều được điều chỉnh tăng, dẫn tới phải tăng giá bán lẻ điện bình quân 6,08% lên mức hơn 1.720 đồng/kWh.
Cần minh bạch giá điện
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - một thành viên trong Tổ công tác kiểm tra giá thành điện cho biết, việc kiểm tra giá thành sản xuất điện cần minh bạch hơn. Hiện việc tính giá điện dựa trên tổng chi phí và tổng sản lượng sau đó chia ra. Ở Việt Nam, hiện tại tính như vậy do chưa xây dựng được giá điện cạnh tranh.
“Hiện tại khâu quyết định mức giá điện chỉ có bên bán điện tham gia là EVN chứ chưa có bên mua điện tham gia. Theo quy định pháp luật về bí mật Nhà nước thì phương án giá điện vẫn là tài liệu mật. Nên có sự tham gia đầy đủ các bên và không nên để cơ chế mật như vậy”, ông Đức nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, giá điện tăng không chỉ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân mà còn cho doanh nghiệp, nên sẽ ảnh hưởng đến mức giá mặt hàng.
"Giá bán chúng tôi không được tham gia quyết định giá bán, nếu được tham gia thì còn minh bạch hơn vì chúng tôi là đại diện khách hàng. Vì đây là mua bán, giá cả thì cần người mua và người bán thỏa thuận, người mua được mặc cả chứ không chỉ riêng người bán đưa ra giá và người mua chấp nhận", ông Hùng thẳng thắn.
Sẽ phân bổ chênh lệch tỷ giá 9.000 tỷ đồng vào giá điện các năm
Một trong những vấn đề dư luận quan tâm là khoản lỗ gần 600 tỉ đồng của EVN. Tuy nhiên, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN không giải trình rõ khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2016 xuất phát từ những yếu tố nào.
Đáng chú ý là khoản chênh lệch tỷ giá hơn 9.000 tỷ đồng chưa được phân bổ hết vào giá điện. Tại buổi họp báo công bố về giá thành sản xuất điện năm 2015, EVN cho biết đã xử lý được 3.000 tỷ đồng khoản chênh lệch tỷ giá, vậy tại sao đến nay vẫn còn treo khoản chênh lệch tỷ giá đến 9.000 tỷ đồng?
Đại diện Công ty Deloitte Việt Nam cho biết, quá trình sản xuất kinh doanh, EVN phải huy động vốn rất nhiều cho các dự án, nhưng huy động trong nước hạn chế hoặc chi phí cao nên phải huy động nước ngoài nhiều, nên các số dư và sản xuất kinh doanh điện trong năm vẫn có hợp đồng vay bằng các ngoại tệ. Các chi phí này vẫn biến động vì với điều hành ngân hàng nhà nước năm qua dù đã được kiểm soát nhưng không phải dừng ở đó mà vẫn tiếp tục tăng, tỉ giá USD/VND vẫn tăng lên đáng kể.
“Theo yêu cầu chuẩn mực kế toán Việt Nam và kiểm toán quốc tế thì phát sinh phải đưa vào ngay lập tức, nhưng với điều hành Chính phủ thì không thể nào tăng giá ngay lập lức nên được Bộ Tài chính phê duyệt bằng việc đưa dần dần vào các năm”, Đại diện Công ty Deloitte Việt Nam lý giải.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, khoản tiền EVN bị lỗ 9.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá mà đưa ngay vào giá bán lẻ điện thì áp lực rất lớn cho nên trong những năm trước đây thì thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ là giãn việc đưa chênh lệch tỷ giá vào giá điện, trong lần này cũng chỉ mới đưa vào một phần.
"Riêng trong khâu phát điện thì chênh lệch tỷ giá năm trước sẽ được thanh toán trong năm sau và dự đoán một phần chênh lệch tỷ giá của năm 2016 và những năm trước cũng đã đưa vào một phần. Theo lộ trình thì hàng năm sẽ đưa thêm vào biểu giá điện bán lẻ", ông Tuấn nói thêm./.
Theo Bộ Công Thương, với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, mức tăng giá điện ảnh hưởng không đáng kể.
Cụ thể với hộ dùng 50 kWh/tháng tăng 3.250 đồng.
Hộ dùng 50 kWh/tháng đến 100 kWh là 6.600 đồng.
Hộ dùng từ 200 kWh/tháng là 13.800 đồng.
Hộ dùng từ 200 kWh/tháng là 23.600 đồng.
Hộ dùng 300 kWh là 34.800 đồng.
Hộ dùng từ 400 kWh trở lên chi phí tăng 34.800 đồng.
Đối với 5,2 triệu hộ nghèo vẫn sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ là 51.000 đồng/tháng, với tổng số tiền hỗ trợ là 2.500 tỉ đồng/năm”./.
Theo Trần Linh (VOV.VN)